Cần sàng lọc kỹ hơn dự án FDI
Vẫn còn “dễ dãi” trong thu hút FDI
Tại hội thảo “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so với năm 1991, thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện, thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. |
Dù dòng vốn FDI là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, nhưng hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Chẳng hạn, theo báo cáo của cơ quan thuế thì có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam.
Ông Tuấn cũng nhắc tới hiện tượng một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Vụ việc tại vùng biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở còn nguyên giá trị về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra, nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Bên cạnh đó trong quan hệ lao động, tình trạng người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí phải chịu ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số doanh nghiệp FDI. Các vụ đình công đã từng diễn ra ở không ít doanh nghiệp trong khối này.
Thời gian qua, hoạt động thẩm định dự án FDI luôn được các địa phương chú trọng về mặt hiệu quả kinh tế, nhưng vấn đề môi trường và xã hội có nơi, có lúc chưa được chú trọng đúng mức, có tình trạng dễ dãi, cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các địa phương.
“Có dự án nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nên địa phương A từ chối nhưng địa phương B ở lân cận thì lại chấp nhận”, ông Tuấn chia sẻ. Do vậy, nhu cầu có “bộ lọc” thu hút FDI rất cấp thiết, thay vì thẩm định với nhiều bất cập như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI), việc lồng ghép các tiêu chí kinh doanh có trách nhiệm vào quy trình thẩm định dự án FDI hiện hành là rất cần thiết, bởi đấy sẽ là “bộ lọc” mà các cơ quan thẩm định có thể sử dụng để chọn lọc ra các dự án đầu tư đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo đó, bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư gồm các nhóm tiêu chí cơ bản mang tính bắt buộc mà nhà đầu tư cần tuân thủ và cung cấp bằng chứng về việc tuân thủ đó trong giai đoạn thẩm định dự án, bao gồm nhóm tiêu chí đánh giá rủi ro và nhóm tiêu chí đánh giá sự phù hợp.
Cần tránh phát sinh thủ tục hành chính
Từ phía địa phương, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho hay, địa phương đang thu hút đầu tư khá tốt, đặc biệt là đầu tư FDI, và không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài vào giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh là rất lớn (88,4% giá trị sản xuất công nghiệp).
Tuy nhiên, ông Hưởng cũng nhận thấy vẫn còn một số bất cập về pháp lý như Luật Đầu tư đang được áp dụng cho cả các dự án đầu tư trong nước cũng như các dự án FDI.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đề nghị cần nghiên cứu thêm các tiêu chí đánh giá trong “Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo để tạo sự thống nhất ngay từ khâu thẩm định cũng như khi dự án đi vào hoạt động…
Từ phía doanh nghiệp FDI, ông Shota Miura, Giám đốc tài chính Uniqlo Việt Nam, cho biết khi đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp này luôn quan tâm tới những yếu tố phát triển bền vững như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và đặc biệt là tìm cách hợp tác với doanh nghiệp nội địa… Tuy nhiên trong quá trình này, nhà đầu tư rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành để có thể tận dụng tốt những tiềm năng và thực hiện các cam kết đầu tư tại Việt Nam.