Để các sản phẩm OCOP tương xứng với tiềm năng
Hà Nội chấm điểm sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao Nhiều địa phương quảng bá sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Minh Tiến, nguyên Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, về cơ bản, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai đồng bộ chương trình OCOP. Tuy nhiên, có nhiều địa phương vượt trội hơn về số lượng như: Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định; Hà Tĩnh, Quảng Nam; Gia Lai; Đồng Tháp, Bến Tre. Còn lại khu vực miền Đông Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng có sản phẩm OCOP nhưng số lượng chưa nhiều.
Mấu chốt của những thành công nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các công tác tuyên truyền và những sáng kiến đẩy mạnh sản xuất. Ngay từ năm 2021, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, cùng với những thay đổi về cơ chế, chính sách, các địa phương còn áp dụng giới thiệu sản phẩm quảng bá OCOP trên báo chí, mạng xã hội facebook, tiktok...; đồng thời, bắt tay với central details, Big C và hệ thống Aeon không chỉ để bán sản phẩm mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu đi Nhật Bản và nhiều quốc gia khác…
“Có thể nhìn nhận, sản phẩm OCOP giờ đây gắn với các vấn đề về văn hóa, bảo vệ gìn giữ môi trường. Chúng tôi đánh giá các sản theo các thang điểm. Đây chính là sự tích hợp đa giá trị. Đằng sau số điểm đó là niềm tự hào của chủ thể, là câu chuyện tạo ra giá trị...”, ông Tiến chia sẻ thêm.
Hiện tại hình thức bán hàng online đang được ứng dụng rộng rãi. Có thể thấy, chương trình đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.
Hiệu quả thực tiễn của công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP đã được khẳng định. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được của chương trình, cũng còn một số vấn đề cần tập trung tháo gỡ để phong trào phát triển ngày càng rộng khắp và hiệu quả. Đó là, cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là trong việc quan tâm chỉ đạo, bố trí kế hoạch, nguồn lực. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho chủ thể hiểu nhận thức rõ vấn đề; Làm rõ lợi ích khi tham gia OCOP. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ chủ thể về khoa học, công nghệ, nhất là về khâu sơ chế, chế biến. Cuối cùng là cần tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm OCOP và chặt chẽ khâu chấm điểm công nhận, qua đó nâng cao được nhận thức của chủ thể để phát triển một cách bền vững.