Để phát triển năng lượng tái tạo
Cấp điện cho vùng sâu, vùng xa bằng năng lượng tái tạo | |
Nhiều điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo | |
Làm rõ phản ánh về lỗ hổng trong giao nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo |
Hệ thống điện của Việt Nam nhiều năm trước từng ở trong trạng thái phụ tải thấp, buộc phải tiết giảm phần nguồn gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và các rủi ro cho đầu tư tư nhân trong ngành điện. Nhưng khi phụ tải tăng, ngành điện đã phải huy động nguồn điện tái tạo nhiều hơn, chủ yếu là điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, tỷ trọng điện tái tạo lớn song lại không đảm bảo liên tục trong cung ứng.
Cần có quy hoạch cho việc phát triển năng lượng mặt trời |
Mặt mạnh của điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, đặc biệt có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải. Tận dụng diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối... ngành điện đã khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, với điện mặt trời mái nhà, được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho EVN hoặc tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của EVN.
Theo đó, giá bán điện mặt trời mái nhà cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã xây dựng xong Dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng.
Theo Dự thảo, ngoài việc vẫn duy trì giá cố định song mức dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg giá mua điện mặt trời áp mái là 8,38 UScent/kWh). Mục đích là để phát triển đúng hướng và khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng nhà nhà "ào ào" lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
Cụ thể, mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây.
Mức giá được xây dựng trên cơ sở tham vấn cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo. Công nghệ phát triển giúp giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng ngày càng rẻ, hiệu suất tấm pin cao hơn. Với mức giá này, đảm bảo vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.
Để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập nêu trên, Bộ Công thương đang tiếp tục nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tới, theo hướng: Giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà; Quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện; khuyến khích các đơn vị lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa, ông Hoàng Tiến Dũng thông tin thêm.
Ông Sven Ernedal - Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E)/GIZ phân tích, cần yêu cầu các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà phải có thiết bị điều khiển công suất phát hoặc cam kết phải sử dụng sản lượng điện bao nhiêu còn lại mới được phát lên lưới. Muốn vậy, phải đầu tư thiết bị lưu giữ lượng điện dư thừa để có thể truyền tải vào thời điểm điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc thời điểm nhu cầu thị trường điện tăng cao. Kinh nghiệm tại các nước phát triển là khuyến khích hộ gia đình đầu tư bộ lưu giữ điện và bán ra lúc cao điểm với giá cao để có tiền bù đắp chi phí đầu tư.
Từ thực tế tăng trưởng đột ngột và quá nóng của điện mặt trời mái nhà trong năm 2020, chuyên gia khuyến nghị cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các đơn vị liên quan như Cục Điện lực, Cục Điều tiết điện lực (A0), EVN, Sở Công thương các tỉnh dựa trên tỷ trọng dự kiến để đảm bảo công suất truyền tải. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan khiến phải cắt giảm công suất, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí nguồn lực của xã hội.