Để phòng vệ thương mại không trở thành thách thức trong EVFTA
Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại | |
Vững vàng trong phòng vệ thương mại | |
Hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại |
Hàng hoá xuất khẩu sẽ không bị làm khó
Sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng hoá Việt Nam sẽ rộng cửa để tiến vào thị trường EU. Song một trong những vấn đề mà cộng đồng DN đang lo ngại chính là khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ phía EU để bảo vệ các ngành sản xuất của quốc gia này.
Tuy nhiên các chuyên gia về hội nhập trấn an, quy định về PVTM trong EVFTA tương đối “dễ thở” và sẽ không làm khó DN Việt Nam quá nhiều. Ông Lương Kim Thành - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong nội dung về PVTM cam kết trong FTA, hầu như các quy định thường dẫn chiếu đến các hiệp định liên quan của WTO và bổ sung thêm một số điều khoản về quy trình thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp PVTM. Các FTA thế hệ mới còn có thêm các điều khoản về điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với các thành viên nội khối.
Thép là một trong những mặt hàng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất trên thế giới |
Điều đó có nghĩa là các FTA thế hệ mới thường đưa ra những yêu cầu cao hơn so với Hiệp định của WTO về chống bán phá giá, chống trợ cấp, chủ yếu về quy trình, thủ tục điều tra, áp dụng. Bên cạnh đó, đối với biện pháp tự vệ song phương hay tự vệ trong khuôn khổ FTA, nhiều quy định cũng có yêu cầu cao hơn khá nhiều so với WTO.
Mặc dù cũng là một FTA thế hệ mới, song EVFTA lại không quá ngặt nghèo trong quy định về PVTM như vậy. Bởi theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), so với các thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang xuất khẩu hàng hoá thì EU là nơi có quan hệ tương đối chặt chẽ và cũng áp dụng tương đối ít biện pháp PVTM.
Ông Thái phân tích, liên quan đến các quy định về PVTM, có 2 vấn đề mà DN cần nắm được để hiểu cho đúng về thị trường EU. Thứ nhất, Việt Nam và EU rất hạn chế áp dụng các biện pháp PVTM, nếu có thì minh bạch và nhẹ tay hơn so với các biện pháp thông thường mà WTO quy định. Ví dụ theo quy định của WTO, sau khi tính ra biên độ chống bán phá giá thì sẽ áp dụng thuế đúng bằng biên độ đó, nhưng EVFTA quy định 2 bên có thể thoả thuận quy định thấp hơn. Một số mục tiêu chính sách công, giảm giá, chống lạm phát… cũng có thể áp dụng ở mức thấp hơn.
Lưu ý thứ hai là trong EVFTA cũng như nhiều FTA khác có biện pháp tự vệ mang tính chuyển đổi trong quá trình thực thi. Nếu 2 bên cắt giảm thuế quan mà kết quả gây ra xáo trộn thị trường đủ lớn thì bên bị ảnh hưởng có thể áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời trong giai đoạn ngắn 2 năm, sau đó có thể gia hạn thêm 2 năm tiếp theo, và tổng thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời này là 10 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Sau 10 năm, cơ chế đó tự động mất đi. Mức thuế tạm thời sẽ tránh việc thực thi hiệp định gây xáo trộn quá lớn. Mức thuế này cũng chỉ quay lại mức thuế phổ thông trước đó, chứ không dâng lên quá cao. Đây là vùng đệm để trường hợp giảm thuế gây tác động quá nghiêm trọng thì một số ngành có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước áp dụng cơ chế này để giảm thiểu tác động bất lợi của hiệp định.
“Với cơ chế này, chúng tôi hy vọng là trong quá trình thực thi, không bên nào phải áp dụng cả, và quan hệ thương mại 2 bên sẽ mang tính bền vững chứ không xáo trộn bất ngờ cho bất cứ bên nào. Tuy nhiên, các DN ngành hàng trong nước cũng cần nắm được để có thể sử dụng đề phòng trường hợp ngành của mình chịu tác động bất lợi”, ông Thái khuyến nghị.
Pháp luật đã đủ, thực thi cho tốt
Ở chiều ngược lại, việc 80-90% dòng thuế cắt giảm theo EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện để hàng hoá từ EU nhập khẩu vào Việt Nam và cạnh tranh mạnh với sản phẩm nội địa. Trong bối cảnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các cơ chế tiến hành PVTM theo EVFTA đã có, và các cơ chế thông thường cũng đã có để DN tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu xảy ra nguy cơ cạnh tranh không cân sức với hàng hoá nhập khẩu.
Bà Trang nhấn mạnh, trên thực tế từ khi gia nhập WTO chúng ta đã có quyền sử dụng các công cụ PVTM. Chúng ta có pháp lệnh từ năm 2003-2004 nhưng 6 năm sau mới có vụ kiện tự vệ đầu tiên, song kết quả không áp dụng biện pháp gì cả. Cũng kể từ khi có pháp lệnh, 10 năm sau mới có vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên. Tuy nhiên sau đó, chưa đầy 10 năm đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành 16 vụ kiện chống bán phá giá và áp dụng các biện pháp tự vệ. Điều đó cho thấy các DN đã bắt đầu sử dụng PVTM như một biện pháp tự bảo vệ mình một cách hiệu quả.
Bà Trang nhấn mạnh, không nên lo lắng quá mức vì chúng ta đã có công cụ trong tay. Thêm vào đó, các DN, hiệp hội ngành hàng phải chủ động trước khi đòi hỏi được giúp đỡ, bằng việc tìm hiểu cơ hội, nội dung cam kết.
Trên bình diện chung, DN cũng rất cần cơ quan nhà nước hỗ trợ. Thứ nhất là giải thích để các DN, hiệp hội ngành hàng hiểu các cam kết. Hiện nay để hiểu được toàn bộ nội dung cam kết của các FTA, đặc biệt EVFTA là khó khăn đối với DN, bởi hiệp định này có phạm vi rộng, chỉ người đi đàm phán mới hiểu được.
Thứ hai, cơ quan nhà nước cần hỗ trợ những việc mà DN có thể làm nhưng không hiệu quả bao nhiêu, như thông tin cơ bản về nhu cầu, xu hướng thị trường mà các thương vụ nắm rất rõ để DN có thông tin chung. Việc thông tin cơ bản về thị trường và nhu cầu sản phẩm của các nước nhập khẩu cũng sẽ giúp DN tránh được việc xuất khẩu ồ ạt với số lượng lớn, hoặc tránh được việc bị mượn quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu. Sau khi đã có thông tin nền, DN mới chủ động tìm kiếm đối tác hoặc tìm hiểu sâu về thị trường.
Ngoài việc nắm rõ quy định về PVTM trong FTA, DN cần ý thức toàn diện và sâu sắc về các công cụ PVTM có trong tay. Hiện tại, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về PVTM phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi FTA. Có thể nói, hành lang pháp lý của Việt Nam không thiếu, cái thiếu chính là mức độ quan tâm và quyết tâm của DN trong việc sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích của chính mình.