Đề xuất giảm phí trước bạ cho ô tô nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2023 vừa qua ước tính có khoảng 56.700 chiếc ô tô được bổ sung cho thị trường ô tô Việt Nam, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Số lượng này tăng tới 42,6% so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 2 ước đạt 30.000 xe với giá trị kim ngạch 298 triệu USD. Đáng chú ý là lượng xe nhập khẩu của tháng trước đó chỉ là 14.457 chiếc, nhưng lại có giá trị kim ngạch 314,5 triệu USD. Như vậy, xe nhập khẩu đã tăng gấp 2,1 lần so với tháng trước và tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tổng giá trị kim ngạch lại không cao, mà chủ yếu là dòng xe có mức giá trung bình.
Lượng xe nhập khẩu tăng mạnh, tuy nhiên sức tiêu thụ đang có phần chững lại |
Lượng xe nhập khẩu tăng mạnh, tuy nhiên sức tiêu thụ đang có phần chững lại. Cụ thể, Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 2/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.040 xe, tăng 33% so với tháng trước (tháng tết nên tiêu thụ chậm) và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ. Xét về doanh số bán, xe lắp ráp trong nước đạt 12.432 xe, tăng 54% so với tháng trước, còn doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.608 xe, mức tăng đạt 15% so với tháng trước.
Như vậy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2 giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47% so với năm 2022. Trong khi đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 38%, trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình doanh số nhiều hãng xe sụt giảm mạnh, mới đây Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) gồm 12 doanh nghiệp thành viên (bao gồm Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsch, Subaru, Volkswagen và Volvo) gửi kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ Công thương, Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe nhập khẩu.
Theo VIVA, các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm mạnh. Cùng với đó, hoạt động đăng kiểm 2 tháng gần đây khó khăn khiến lượng tồn kho càng tăng lên, gây áp lực tài chính lớn với các doanh nghiệp ngành này. Vì vậy, để “giải cứu” xe nhập khẩu tồn kho khủng, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước.
Đại diện VIVA cho rằng, ô tô nhập khẩu chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt, trong khi ô tô sản xuất trong nước đã 2 lần được giảm 50% lệ phí trong 3 năm gần đây, còn xe nhập khẩu cũng không được hưởng chính sách này. Như vậy đã có sự phân biệt ưu đãi quốc gia, vi phạm Điều III.4 của hiệp định chung về thuế quan thương mại (GATT) mà Việt Nam đã ký kết (quy định sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự ưu đãi dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội địa về mặt luật pháp, quy tắc). Đồng thời, việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu sẽ có lợi cho người tiêu dùng trong nước có cơ hội mua sản phẩm tốt hơn với mức giảm giá phù hợp hơn và nhất là tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh giữa ô tô nhập khẩu với ô tô lắp ráp trong nước.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, thực chất khi giảm 50% phí trước bạ dành cho ô tô nhập khẩu chỉ có lợi ích cho những doanh nghiệp nhập ô tô ngoại về Việt Nam, trong khi ngành công nghiệp ô tô nội địa đang phát triển trong giai đoạn mới, rất cần có sự hỗ trợ về chính sách thuế để tăng sức mua trên thị trường. Nếu ô tô nhập khẩu cũng được giảm phí trước bạ, vô hình trung sẽ tạo ra sự “bất công” cho xe lắp ráp trong nước bởi ngành nghề này đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong nước, góp phần thúc đẩy nhiều công ty cung ứng nội địa. Do đó, ô tô nhập khẩu muốn thúc đẩy doanh số trong giai đoạn đầu ra khó khăn thì tốt nhất là nên giảm giá thay vì cầu cứu giảm phí.
Bởi thực tế hiện nay, lệ phí trước bạ do người mua xe đóng cho cơ quan thuế, tuy nhiên do tiêu thụ ế ẩm nên các hãng cũng như đại lý ô tô lâu nay vẫ̃n chi khoản này thay cho khách hàng để tăng sức cầu. Nên việc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ngoại mong muốn được giảm 50% phí trước bạ, thực chất để giảm bớt gánh nặng chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng.