Dệt may Việt Nam: Thúc đẩy liên kết chuỗi mở rộng thị trường xuất khẩu
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang triển khai các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi và chủ động kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành là sản xuất vải, đặc biệt là vải dệt kim nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu và khát vọng đến năm 2025 - 2027, dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường EVFTA, RCEP sẽ đứng hàng thứ nhất. Để đạt được khát vọng này, ba năm gần đây, đặc biệt 2021 và 2022, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy quyết liệt trong việc đầu tư xây dựng thiết bị công nghệ tự động hóa và quản trị số để tăng năng suất lao động và các điều kiện để đạt mục tiêu này.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa cho biết, doanh thu hợp nhất của Vinatex 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm… Đây cũng là năm tiếp theo các doanh nghiệp Vinatex có vốn chi phối đóng góp 68,4% vào lợi nhuận, còn lại 31,6% đến từ các doanh nghiệp liên kết của Vinatex. Đặc biệt ngành sợi 6 tháng đầu năm 2022 có doanh thu tăng 31%, lợi nhuận tăng 49% so với cùng kỳ do tận dụng được giá bông tốt đã mua cuối năm 2021; Với ngành may, doanh thu tăng 27%, lợi nhuận tăng 140% so với cùng kỳ…
Ảnh minh họa |
Trong những tháng cuối năm 2022, trước những dự báo xấu về thị trường do kinh tế thế giới đình trệ - lạm phát; lãi suất tăng mạnh; hàng tồn kho cao, sức mua thấp, dòng tiền hạn chế… Vinatex đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó doanh nghiệp tập trung giữ ổn định hệ thống sản xuất, việc làm trong điều kiện đơn hàng biến động; Linh hoạt trong điều hành sản xuất, duy trì và ổn định chất lượng sản phẩm; Xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp dệt may...
Cùng với việc chủ động nâng cao nội lực, xuất khẩu vẫn là hướng đi ưu tiên của các doanh nghiệp trong ngành. Ông Vũ Đức Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 toàn ngành dệt may đã xuất khẩu được 22,3 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ 2021. Ba năm gần đây Trung Quốc, thành viên của Hiệp định RCEP trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của dệt may Việt Nam bên cạnh các thị trường lớn khác là Mỹ, EU Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm mà trước đây chúng tôi không bao giờ mơ có thể xuất khẩu vào Trung Quốc như sản phẩm sợi các loại. Hiện nay Trung Quốc nhập khẩu sợi từ Việt Nam tương đối lớn với mức bình quân năm 2021 khoảng trên 4 tỷ USD. Tiếp đến là quần, áo sơ mi các loại, áo zắc két các loại và quần áo trẻ em… với kim ngạch cũng rất lớn. RCEP là một hiệp định mang lại kỳ vọng rất lớn để thúc đẩy nhanh các sản phẩm dệt may Việt Nam vào thị trường Trung Quốc nhanh hơn nữa”, ông Giang cho hay.
Để tận dụng một cách hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những ưu đãi trong Hiệp định RCEP, người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành đã và đang đề ra nhiều giải pháp và phương hướng để thúc đẩy phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, thúc đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất của các nhà máy, đạt các chuẩn mực trong đánh giá của các nhãn hàng. Đây là điều kiện cần và điều kiện đủ, bởi nếu quy mô các nhà máy không đạt các chuẩn mực, chúng ta sẽ không thực hiện được các đơn hàng. Không chỉ riêng RCEP, các hiệp định thương mại khác cũng đòi hỏi các chuẩn mực liên quan đến chương trình phát triển xanh hóa, chương trình phát triển năng lượng tái tạo, điện áp mái và tiết kiệm các nguồn lực, nguồn nước…
Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành cũng quyết liệt thúc đẩy việc đầu tư xây dựng thiết bị và công nghệ tự động hóa và quản trị số. Hiện nhiều công đoạn, thiết bị của ngành may đã được hiện đại hóa. Một công nhân hiện nay đã có thể đứng ở ba công đoạn, thậm chí một công nhân hiện nay có thể đứng phụ trách 4 máy cùng lúc. Đây là vấn đề sống còn thúc đẩy tăng năng suất lao động để tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều đơn vị khác cũng đã đầu tư nhiều thiết bị công nghệ tự động hóa cho ngành kéo sợi và ngành dệt nhuộm... Có nhà máy đã tự động hóa từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Chỉ còn rất ít lao động trong các khâu sản xuất bông, sợi vải, ghép thô, đánh bóng và đóng gói.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường RCEP, bên cạnh giải pháp chủ lực là phải tự động hóa để đảm bảo khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may, yêu cầu của quản trị số cũng đang đòi hỏi các nhà máy phải có sự đầu tư thích đáng vào các nhãn hàng… để đối tác từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể theo dõi và quan sát từ xa các dây chuyền sản xuất này từ Việt Nam.
“Thị trường dệt may của nước ta đang trải khắp toàn cầu với nhiều sản phẩm dệt may rất đa dạng chứ không chỉ thuần túy là một kiểu dáng. Chúng ta có thị phần riêng và có tiềm lực riêng. Ngành dệt may Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy các liên kết chuỗi và chủ động kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành. Chúng tôi đang xây dựng chuẩn bị cho việc thúc đẩy thực hiện khát vọng đến năm 2025 - 2027, dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường RCEP sẽ đứng hàng thứ nhất. Đặt ra mục tiêu này là bởi với thị trường này, doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt hơn và chúng ta đang có một thị phần tương đối lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Giang nhấn mạnh.