Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 13/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.244 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.360 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 12/5. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.340 - 23.380 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 13/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,04 - 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 1,43%; 1 tuần 1,61%; 2 tuần 1,81% và 1 tháng 2,19%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 0,21%; 1 tuần 0,32%; 2 tuần 0,44%, 1 tháng 0,85%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,70%; 5 năm 2,04%; 7 năm 2,54%; 10 năm 2,90%; 15 năm 3,08%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất hạ xuống mức 3,0%. Có 1 tỷ đồng trúng thầu trong phiên hôm qua.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 71.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.001 tỷ đồng ra thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 13/5, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 4.395/6.000 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 73%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động thành công toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động 2.395/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,75%/năm (tăng 0,12% so với phiên trước) và kỳ hạn 15 năm tại 2,93%/năm - không thay đổi so với phiên trước.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, dòng tiền bắt đáy giúp thanh khoản tăng mạnh, VN-Index giảm sau 6 phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa giảm 1,11 điểm (-0,13%) xuống 834,21 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,07%) lên 111,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,19%) lên 53,73 điểm. Thanh khoản của thị trường bật tăng lên mức gần 7.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ hơn 56 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, cán cân thương mại cả nước thâm hụt 940 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4 tiếp tục thặng dư 2,78 tỷ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 17,58 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước đó; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,52 tỷ USD, giảm 16,4%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,86 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu đạt 78,08 tỷ USD, giảm 0,3%.
Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu được điều chỉnh từ 13/5. Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng trên thị trường không cao hơn mức: Xăng E5RON92: 11.520 đồng/lít; Xăng RON95-III: 12.235 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: 9.857 đồng/lít; Dầu hỏa: 7.882 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: 8.545 đồng/kg.
Như vậy, so với kỳ công bố trước, giá các mặt hàng xăng tăng: Xăng 5RON92: tăng 578 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 604 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 84 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 83 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 125 đồng/kg.
Tin quốc tế
Trong bài phát biểu về kinh tế ngày hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn suy yếu kéo dài. Ông kỳ vọng Chính phủ có thể đưa ra thêm các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người lao động.
Về phía Fed, ông Powell cho biết cơ quan này sẽ sử dụng sức mạnh của mình để can thiệp khi cần thiết, tuy nhiên lãi suất âm không phải là lựa chọn được xem xét vào lúc này.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, chỉ số PPI lõi và PPI chung của nước này lần lượt giảm 0,3% và 1,3% so với tháng trước trong tháng 4 sau khi cùng tăng 0,2% ở tháng trước đó, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,1% và 0,4% theo dự báo.
GDP sơ bộ của nước Anh giảm 2,0% so với quý trước trong quý I sau khi đi ngang ở quý trước đó. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn nhỏ hơn so với mức giảm 2,5% theo dự báo của các chuyên gia.
Nguyên nhân chính dẫn đến mức suy giảm của quý I là do GDP tháng 3 của nước Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và giảm tới 5,8% so với tháng trước. Sản lượng sản xuất của nước Anh trong tháng 3 cho thấy mức giảm 4,6% so với tháng trước sau khi tăng nhẹ 0,5% ở tháng 2, vẫn nhỏ hơn so với mức giảm 6,0% theo dự báo.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu giảm 3,0% so với quý trước trong quý I, và có khả năng sẽ tiếp tục giảm 27% trong quý II. Bên cạnh đó, giá trị hàng hóa đã giảm mạnh 20% so với tháng trước trong tháng 3, do ảnh hưởng mạnh từ giá dầu thô thế giới, sâu hơn cả mức giảm cao nhất 18,6% diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.