Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/3 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.232 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên 31/3. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.555 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.650 - 23.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,41 - 0,47 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 2,84%; 1 tuần 2,92%; 2 tuần 3,04% và 1 tháng 3,24%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng nhẹ 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 1,41%; 1 tuần 1,49%; 2 tuần 1,56%, 1 tháng 1,65%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,80%; 5 năm 2,92%; 7 năm 3,28%; 10 năm 3,49%; 15 năm 3,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 1/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 13.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,5%, có 9.448 tỷ đồng trúng thầu.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 9.448 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 12.307 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 1/4, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ chia đều cho ba kỳ hạn từ 10 năm, 15 năm và 30 năm. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại.Tỷ lệ đặt thầu ở mức 1,3 lần - số thành viên tham dự từ 4 - 11 thành viên. Vùng lãi suất đặt thầu đều tăng từ 0,2% - 0,6%, tùy từng kỳ hạn, so với phiên trước đó.
Thị trường chứng khoán phiên 1/4, thị trường bứt phá nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 680,23 điểm, tăng 17,7 điểm (+2,67%). HNX-Index tăng 2,97 điểm (+3,21%) lên 95,61 điểm; UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,86%) lên 48,63 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp tương tự phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 140 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Markit ngày 1/4 công bố chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 49 điểm của tháng 2 xuống 41,9 điểm trong tháng 3, thấp nhất trong hơn 9 năm thu thập dữ liệu, cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.
Theo Markit, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3. Số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử. Số đơn đặt hàng mới giảm mạnh buộc các công ty phải giảm nhân viên, ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp việc làm giảm.
Tin quốc tế
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/3 tiếp tục phá vỡ kỷ lục, ghi nhận ở mức 6,65 triệu đơn, tăng gấp đôi so với mức 3,3 triệu đơn của tuần trước đó và vượt xa con số dự báo ở mức 3,6 triệu đơn.
Hầu hết các bang của Mỹ đều cho biết số người thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch, giải trí và ăn uống.
Trong một báo các khác ngày 1/4, Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 49,1 điểm trong tháng 3, giảm nhẹ so với 50,1 điểm của tháng 2, tuy nhiên tích cực hơn dự báo ở mức 44,9 điểm.
Một điểm đáng chú ý trong tháng vừa qua là thời gian vận chuyển hàng hóa tại Mỹ đã tăng lên mức 65 điểm từ mức 57,3 điểm của tháng 2. Điều này có nghĩa thời gian giao hàng tại Mỹ tăng lên và thường mang ý nghĩa tích cực, do các hoạt động sản xuất tăng quy mô và thời hạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tháng 3 là ngoại lệ khi thời gian giao hàng bị ảnh hưởng và chậm trễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat cho biết chỉ số giá sản xuất tại khu vực Eurozone giảm 0,6% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo giảm 0,3% của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất tại khu vực này đã giảm 1,3%.
Nguyên nhân chính được Eurostat cho biết là việc giá dầu quốc tế đã giảm xuống rất sâu trong tháng 2, kéo chỉ số giá chung của nhóm hàng nhiên liệu giảm 2,4% so với tháng trước.