Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/3 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 31/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.235 VND/USD, tăng trở lại 5 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.565 VND/USD, giảm mạnh 75 đồng so với phiên 30/3. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 50 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.650 - 23.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 31/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,08 - 0,17 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 2,37%; 1 tuần 2,47%; 2 tuần 2,60% và 1 tháng 2,83%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,06 - 0,08 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 1,41%; 1 tuần 1,48%; 2 tuần 1,54%, 1 tháng 1,64%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 10 năm, cụ thể: 3 năm 2,60%; 5 năm 2,70%; 7 năm 3,18%; 10 năm 3,41%; 15 năm 3,50%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,5%, có 2.857 tỷ đồng trúng thầu.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 2.857 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 2.859 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên 31/3 mặc dù tăng vào buổi sáng, đầu phiên chiều, áp lực bán bất ngờ tăng cao ở nhiều cổ phiếu trụ cột khiến các chỉ số giảm điểm xuống sát ngưỡng tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index tăng 0,27 điểm (+0,04%) lên 662,53 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,69%) xuống 92,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,23%) lên 47,74 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 409 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 "Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19", Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm từ mức 6,5% dự báo trước đó xuống 4,9% trong năm 2020. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022.
Ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sau khi Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020. Quyết định này là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Hiện giờ, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định (dự kiến là 30 ngày kể từ ngày thông báo) là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sử dụng thêm một công cụ để hỗ trợ thị trường, kinh tế Mỹ đón thông tin khá tích cực. Hôm qua, Fed một lần nữa tiếp tục can thiệp vào thị trường thông qua thỏa thuận mua lại tạm thời cho các cơ quan tiền tệ nước ngoài và quốc tế (FIMA Repo Base) để giúp hỗ trợ hoạt động của thị trường tài chính, bao gồm thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, và qua đó hỗ trợ việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này. Công cụ này sẽ bắt đầu được thực hiện từ 6/4 và sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng.
Liên quan đến thông tin kinh tế, niềm tin tiêu dùng ở Mỹ do CB khảo sát giảm mạnh trong tháng 3 xuống mức 120,0 điểm từ mức 132,6 điểm của tháng 2, tuy nhiên vẫn cao hơn dự báo ở mức 115,1 điểm.
GDP quý IV/2019 nước này của Anh không thay đổi (0,0%) so với quý trước sau khi tăng 0,5% quý trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý IV tăng 1,1%. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh quý IV đã giảm đáng kể với mức 5,6 tỷ GBP từ mức thâm hụt 19,9 tỷ quý trước đó, đồng thời cũng tích cực hơn mức dự báo thâm hụt 7,0 tỷ của các chuyên gia. Đây là mức thâm hụt ít nhất kể từ quý 2/2011 ở nước này.
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tăng mạnh lên mức 52,0 điểm trong tháng 3 từ mức 35,7 điểm tháng trước đó và nằm ngoài dự đoán ở mức 44,9 điểm. Trong tháng, sản xuất, số đơn đặt hàng mới cũng như việc làm đều tăng trưởng tích cực, tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo các hoạt động kinh tế của nước này cũng chưa thể trở lại mức độ bình thường, tháng 3 mới chỉ là giai đoạn phục hồi lại dần dần hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực phi sản xuất nước này cũng tăng mạnh từ mức 29,6 điểm của tháng 2 lên mức 52,3 điểm trong tháng 3, cao hơn hẳn mức dự báo 42,1 điểm.