Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 13-17/2 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 21/2, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.643 VND/USD, giảm trở lại 3 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN duy trì niêm yết ở 24.780 VND/USD, giá mua ở 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.720 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 20/2.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.750 VND/USD và 23.830 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 21/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,12 - 0,35 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 4,93%; 1 tuần 5,27%; 2 tuần 5,67% và 1 tháng 6,60%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD cũng tăng 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,46%; 1 tuần 4,61%; 2 tuần 4,71%, 1 tháng 4,86%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 3,79%; 5 năm 3,81%; 7 năm 3,88%; 10 năm 4,27%; 15 năm 4,41%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6,0%, có 634,1 tỷ đồng trúng thầu; không có đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất, có 20.700 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày và có 10.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày, đều với lãi suất ở mức 6,0%; có 14.999,9 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 15.066 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 21.857,16 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành là 140.699,7 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua mặc dù tăng điểm phiên sáng nhưng kết phiên trong sắc đỏ, khi cổ phiếu vốn hóa lớn như bất động sản, tài chính sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,46 điểm (-0,41%) xuống mức 1.082,23 điểm; HNX-Index mất 1,75 điểm (-0,81%) còn 214,08 điểm; UPCoM-Index hạ 0,65 điểm (-0,82%) về mức 78,18 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với giá trị giao dịch khoảng trên 13.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ hơn 47 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính giảm nhẹ giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/2. Theo đó, giá xăng E5RON92 không cao hơn 22.542 đồng/lít (giảm 327 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); xăng RON95-III 23.443 đồng/lít (giảm 324 đồng/lít); dầu điêzen 0.05S 20.806 đồng/lít (giảm 756 đồng/lít); dầu hỏa 20.846 đồng/lít (giảm 748 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S 14.251 đồng/kg (tăng 615 đồng/kg).
Tin quốc tế
S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt ở mức 47,8 và 50,5 điểm trong tháng Hai, cùng tăng so với 46,9 và 46,8 điểm của tháng Một, đồng thời cùng vượt mức 47,4 và 47,3 điểm theo dự báo. Đây là tháng đầu tiên lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ ghi nhận trạng thái mở rộng kể từ tháng 7/2021.
Mặc dù vậy, thị trường tài chính Mỹ đón nhận các thông tin trên với tâm lý tiêu cực, cho rằng kinh tế khởi sắc có thể là động lực khiến Fed tiếp tục nâng lãi suất chính sách lên cao hơn.
Trong tuần này, thị trường chờ đón biên bản cuộc họp tháng Hai của Fed, được công bố vào sáng sớm mai 23/2 theo giờ Việt Nam.
PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của nước Anh lần lượt đạt 49,2 và 53,3 điểm trong tháng này, cùng tăng từ 47,0 và 48,7 điểm của tháng trước, đồng thời vượt qua 47,5 và 49,2 điểm theo dự báo. Tương tự tại Mỹ, đây là tháng đầu tiên lĩnh vực dịch vụ Anh tích cực trở lại kể từ tháng 8/2022.
Trong biên bản cuộc họp tháng Hai, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) nhận định lạm phát tại Úc vẫn còn quá cao. Bên cạnh đó, dữ liệu về giá cả và thị trường lao động có thể vượt trên kỳ vọng trong những tháng tới. Trong trường hợp lạm phát quá dai dẳng, có thể gây ra những tổn thất dài hạn hơn.
Các quan chức RBA đồng ý rằng việc tiếp tục tăng lãi suất chính sách để kiểm soát lạm phát trong trung hạn là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại. Mặc dù các mức lãi suất ở Úc đã khá cao, song vẫn thấp hơn so với một số nền kinh tế khác. Cả hai lựa chọn tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản đều có những ý kiến ủng hộ riêng, song mức 25 điểm cơ bản được ủng hộ nhiều hơn.
Theo đó, RBA quyết định tăng lãi suất chính sách từ 3,10 lên thành 3,35%, khẳng định ưu tiên đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0% - 3,0% trong trung hạn, đồng thời giữ cho nền kinh tế Úc phát triển.