Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/4
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 27/4, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.272 VND/USD, tỷ giá bán ở mức 23.650 VND/USD; và tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.465 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 24/4. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 - 23.540 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 27/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,05 - 0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 2,02%; 1 tuần 2,23%; 2 tuần 2,45% và 1 tháng 2,73%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần và không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 0,32%; 1 tuần 0,46%; 2 tuần 0,62%, 1 tháng 1,03%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh 0,04 - 0,14 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,02%; 5 năm 2,30%; 7 năm 2,56%; 10 năm 3,05%; 15 năm 3,22%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 27/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn giảm xuống còn 07 ngày, lãi suất 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày không có đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 2 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày không có tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 132.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua diễn biến tiêu cực khi các chỉ số vốn hóa lớn phân hóa và khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,89 điểm (-0,76%) xuống 770,77 điểm; HNX-Index dừng ở mức 106,3 điểm, giảm 0,67 điểm (-0,63%); ngược lại, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,6%) lên 51,97 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt trên trung bình với tổng giá trị giao dịch đạt gần 5.200 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 475 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 20/4, ước vốn đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 984 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019 (riêng dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới); có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tin quốc tế
Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố các công ty bán linh kiện liên quan đến quân sự cho Trung Quốc sẽ cần có giấy phép để xuất khẩu, ngay cả khi các linh kiện này phục vụ nhu cầu dân dụng. Thêm vào đó loại bỏ các trường hợp đặc biệt xuất khẩu công nghệ không cần giấy phép.
Theo các chuyên gia phân tích, lệnh cấm mới của Mỹ có thể ảnh hưởng tới các công ty có liên quan đến sản xuất linh kiện bóng bán dẫn và ngành hàng không của Trung Quốc. Hiện tại chưa có thông điệp từ phía Bắc Kinh đối với luật mới của Washington.
Các nước lớn tại châu Âu như Tây Ban Nha, Ý và Pháp đã bắt đầu nới lỏng một số hoạt động kiểm soát, cho phép vài lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại.
Đặc biệt trong 3 nước trên có Ý đang cho thấy rõ sự lạc quan khi số ca nhiễm mới tại Italia giảm mạnh, với tỷ lệ tăng ghi nhận hàng ngày ở mức thấp từ 0,2-0,7%. Hôm nay 28/4, Ý sẽ thảo luận và bỏ phiếu về chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3.
Cuối cùng là tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ mở lại nền kinh tế trong tuần này, sau thời gian ông điều trị bệnh kéo dài 1 tháng qua.
Trong cuộc họp hôm qua ngày 27/4, NHTW Nhật Bản BOJ giữ lãi suất chính sách ở mức -0,1%; không thay đổi so với trước đây và khớp với dự báo của thị trường. Thống đốc Harukiho Kuroda cho biết BOJ đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như các NHTW khác trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh lên kinh tế quốc nội và quốc tế. Mục tiêu ổn định giá cả, hướng lạm phát tới ngưỡng 2,0% có lẽ sẽ cần thêm thời gian nhưng luôn là mục tiêu cần đạt được.
Ông Kuroda cho biết thêm BOJ không ngần ngại đưa ra những bước nới lỏng bổ sung nếu cần, trong đó bao gồm cả việc mở rộng thu mua tài sản. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh lãi suất cơ bản có lẽ sẽ được duy trì trong một thời gian lâu nữa kể cả Covid-19 thoái trào.