Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/4 |
Tổng quan
Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tiêu cực trong quý I/2020, tuy sang tháng 4 đã phục hồi trở lại, nhưng vẫn được cho là khó đoán định do nền kinh tế và thị trường có rất nhiều diễn biến khó lường từ nay đến 2021. Mặt khác, đến thời điểm này, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường.
Cùng với toàn thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 3 tháng đầu năm với nhiều dấu ấn tiêu cực. VN-Index chốt phiên 31/3 giảm 31% về 662,53 điểm. Đây cũng là mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% trong quý I/2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Phiên 24/3, VN-Index giao dịch ở mức thấp nhất là 648 điểm, đóng cửa ở mức 659,2 điểm. Tuy nhiên, chốt phiên ngày 24/4 VN-Index đạt 776,66 điểm, sự phục hồi này đã kéo hẹp đà giảm so với đầu năm còn gần 13%.
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản cho đà hồi phục của thị trường: (i) dịch Covid-19 đã và đang tạo đỉnh ở nhiều nước và có thể thời gian tới, các nước sẽ nới dần biện pháp cách ly. Tại Việt Nam, Chính phủ khống chế dịch hiệu quả và dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội; kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế; (ii) Giá nhiều cổ phiếu đã rơi quá sâu và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư; (iii) Nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế, giúp thị trường chứng khoán hồi phục, góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư Việt Nam; (iv) Biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh; dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ có thể chuyển sang thị trường chứng khoán nhằm kiếm lời; thực tế, tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 ghi nhận tăng đột biến.
Bất chấp việc thị trường chứng khoán phục hồi trong những ngày giao dịch gần đây, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng đã diễn ra mạnh trong quý I/2020.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuối năm 2019, tổng giá trị danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của khối nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối năm 2018.
Quý I/2020, theo Bộ Tài chính, khối ngoại đã bán ròng 13.341 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.
Ðồng thời, đến ngày 25/3/2020, mức vốn hóa thị trường giảm 29,5% so với cuối năm 2019, khi ước đạt 3.090.000 tỷ đồng, khiến giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại càng suy giảm.
Theo tính toán sơ bộ, hiện giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, giảm khoảng 17,5% so với cuối năm 2019.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, những phiên giao dịch gần đây, tuy khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng giá trị giảm dần so với cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, từ trung bình khoảng 400- 500 tỷ đồng/phiên giảm xuống còn 200 - 300 tỷ đồng/phiên. Ðiều đó cho thấy, động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại bên cạnh mang yếu tố tâm lý trong lúc thị trường bất ổn trên phạm vi toàn cầu, họ thận trọng trước những rủi ro của dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trong trường hợp dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu chưa hết phức tạp, một số ý kiến dự báo có khả năng khối ngoại còn bán ròng.
Tuy nhiên, so với bối cảnh chung của thế giới, các mặt của đời sống xã hội, cũng như nền kinh tế nói chung, kiểm soát dịch Covid-19 nói riêng ở Việt Nam đang là một điểm sáng cả trong khu vực ASEAN và toàn cầu. Nhiều chuyên gia bắt đầu kỳ vọng, dòng tiền mới sẽ rót thêm vào thị trường nếu hiệu ứng tích cực này được giữ vững và lan rộng.
Đồng thời, dòng tiền nội còn ở ngoài thị trường là rất lớn, vì vậy lực cầu nội tiềm năng tham gia giải ngân mới cũng sẽ khiến thị trường chứng khoán phục hồi ổn định hơn để đối trọng với việc khối ngoại bán ra.
Do tình hình dịch bệnh, Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Tổng cộng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2020 ước tính khoảng 700.000 tỷ, gấp 2,2 lần số vốn thực hiện giải ngân năm 2019. Điều này phần nào hứa hẹn kích thích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn, động lực khiến thị trường chứng khoán có diễn biến khởi sắc.
Chính phủ cũng tung ra các gói cứu trợ, những chương trình hạ lãi suất thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, diễn biến dịch bệnh là khó lường, thêm vào đó, việc khối ngoại bán ròng cũng như số liệu thống kê các ngành nghề dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng của Việt Nam thì thị trường chứng khoán sẽ chưa thể có những đột phá; cần thêm thời gian, có thể sang năm 2021 để phục hồi cũng như niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại quay trở lại thị trường.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 20-24/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng khá mạnh qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 24/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.272 VND/USD, tăng 31 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng cũng trong xu hướng tăng trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 24/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.480 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trái lại, tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua giảm. Chốt phiên 24/4, tỷ giá tự do giảm 90 đồng ở chiều mua vào và 160 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.530 - 23.560 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 20-24/4, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh vào đầu tuần, tuy nhiên đã giảm nhẹ trở lại vào cuối tuần ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 24/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,08% (+0,36 điểm phần trăm); 1 tuần 2,38% (+0,43 điểm phần trăm); 2 tuần 2,50% (+0,35 điểm phần trăm); 1 tháng 2,80% (+0,17 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Cuối phiên 24/4, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,31% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 0,44% (-0,08 điểm phần trăm); 2 tuần 0,63% (-0,14 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,03% (-0,07 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 20-24/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này, trong tuần có 4.656 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức còn 2 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Trong tuần có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức gần 132.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 10.345 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 1.288/3.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 37%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 800/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 350/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 138/500 tỷ đồng. Lãi suất phát hành từng kỳ hạn lần lượt là 2,38%/năm; 2,73%/năm và 3,10%/năm - đồng loạt tăng 0,1% so với phiên trước đấu thầu tuần trước. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất tăng 0,1%/kỳ hạn, trong khi vùng lãi suất đặt thầu cao nhất giảm từ 0,1 - 0,3% tùy từng kỳ hạn so với tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.176 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 5.905 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở các kỳ hạn từ 10 năm trở xuống, trong khi ít biến động ở kỳ 15 năm và 30 năm.
Chốt phiên 24/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,82% (-0,16 điểm phần trăm); 2 năm 1,94% (-0,12 điểm phần trăm); 3 năm 2,08% (-0,10 điểm phần trăm); 5 năm 2,35% (-0,14 điểm phần trăm); 7 năm 2,70% (-0,05 điểm phần trăm); 10 năm 3,13% (-0,03 điểm phần trăm); 15 năm 3,26% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,67% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua bị ảnh hưởng bởi nhiều cổ phiếu cơ sở giảm mạnh ngay phiên đầu tuần và hồi phục trong những ngày còn lại nhưng không quá lớn. Theo đó, chốt tuần, VN-Index dừng ở mức 776,66 điểm, giảm 12,94 điểm (-1,64%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi giảm 3,49 điểm (-3,16%), đóng cửa tuần ở mức 106,97 điểm; UPCOM-Index giảm 0,5 điểm (-0,96%) xuống mức 51,66 điểm.
Thanh khoản thị trường không cải thiện nhiều với giá trị giao dịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Mỹ tiếp tục tung thêm tiền hỗ trợ thị trường, dần mở lại các hoạt động kinh tế tại một số bang trong tuần qua. Bên cạnh đó nước này vẫn đón nhận nhiều thông tin kinh tế không mấy tích cực.
Ngày 24/4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mà Chính phủ đề nghị, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện Mỹ với tổng giá trị lên đến 484 tỷ USD. Gói cứu trợ này nâng tổng mức hỗ trợ của Mỹ dành cho khủng hoảng Covid-19 lên gần 3000 tỷ USD.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý cho phép các bang mở lại hoạt động kinh tế với điều kiện tiên quyết là cho thấy sự thuyên giảm của bệnh dịch. Theo thông báo của Tổng thống Trump, đã có khoảng 16 bang tại Mỹ đã mở cửa hoặc lên kế hoạch mở cửa theo lộ trình.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, trong tuần kết thúc 18/4 tại nước này có 4,427 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, mặc dù đã giảm so với những tuần trước đó, nhưng đưa tống số trong 5 tuần gần nhất lên tới 26 triệu đơn, vượt qua 24 triệu việc làm nước này đã tạo ra trong suốt thời gian kể từ sau khủng hoảng tài chính 2009.
Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ trong tháng 4 lần lượt ở mức 36,9 và 27,0 điểm, giảm từ 48,5 và 39,8 điểm của tháng 3.
Doanh số bán nhà mới tại nước này trong tháng 3 ở mức 627 nghìn căn, giảm so với 741 nghìn căn của tháng 2.
Cuối cùng, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm sâu 14,4% so với tháng trước trong tháng 3 sau khi tăng 1,1% ở tháng 2; tiêu cực hơn cả mức giảm 12% theo dự báo.
Khu vực Eurozone đón một số thông tin kinh tế trái chiều, niềm tin kinh tế phục hồi mạnh mẽ mặc dù cả sản xuất và dịch vụ đều cho thấy tiếp tục suy giảm trầm trọng hơn.
Cụ thể, niềm tin kinh tế tại khu vực này được ZEW khảo sát được ở mức 25,2 điểm trong tháng 4, nhảy vọt từ mức -49,5 điểm của tháng 3, đồng thời trái dự báo vẫn ở mức tiêu cực -38,2 điểm. Riêng tại nước Đức, chỉ số này cũng phục hồi lại mức 28,2 điểm từ mức -49,5 điểm trong tháng trước.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định kinh tế khu vực Eurozone sẽ bắt đầu phục hồi khá muộn, sớm nhất là vào quý 3 năm 2020, và chưa thể quay trở lại tình trạng trước đại dịch cho tới năm 2022.
PMI sản xuất sơ bộ của Eurozone tháng 4 chỉ đạt 34,6 điểm, giảm từ 44,5 điểm của tháng 3. PMI sơ bộ lĩnh vực dịch tháng 4 vụ thậm chí giảm xuống mức 11,7 điểm từ 26,4 điểm của tháng 3.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết Covid-19 là rủi ro nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Đức.
Nước Anh đón một số thông tin kinh tế khá tiêu cực trong tuần vừa qua. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết nước này tạo ra 12,1 nghìn việc làm trong tháng 3, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 vẫn tăng lên mức 4,0%, trái với kỳ vọng của các chuyên gia sẽ đứng vững ở mức 3,9% như tháng 2.
Thu nhập bình quân của nước này chỉ tăng 2,8% trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 3,1% của tháng 2 và mức dự báo 3,0%.
Chỉ số CPI của nước Anh tháng 3 giảm xuống còn 1,5% so với cùng kỳ năm trước từ mức 1,7% của tháng 2, khớp hoàn toàn với dự báo.
Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tháng 4 lần lượt giảm xuống mức 32,9 và 12,3 từ 47,8 và 34,5 điểm của tháng 3, nghiêm trọng hơn dự báo ở 42,0 và 28,5 điểm.
Cuối cùng, doanh số bán lẻ của nước Anh giảm 5,1% so với tháng trước trong tháng 3 sau khi giảm nhẹ 0,3% ở tháng 2, sâu hơn so với dự báo giảm 4,5%.