Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/3 |
Tổng quan
Tăng trưởng GDP quý I năm nay ở mức thấp nhất quý I các năm giai đoạn từ 2011-2020, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 tuy ở mức thấp nhất giai đoạn 2016-2020 nhưng CPI tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất giai đoạn 2016-20, số doanh nghiệp ngừng hoạt động ở mức cao. Tuy nhiên, điểm sáng trong quý là thặng dư cán cân thương mại đạt cao và giải ngân vốn đầu tư công tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm giai đoạn từ 2011-2020. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác phòng chống và dập dịch được đặt lên hàng đầu, phải hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 7,12%, nhưng chỉ cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2020 và đều thấp hơn các năm còn lại; ngành công nghiệp quý I/2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 1,89 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Kết quả này đã phần nào phản ánh sự khó khăn của nền kinh tế do tác động lớn từ diễn biến phức tạp của Covid-19. Nhiều chuyên gia dự báo, sang quý II, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hơn khi dịch bệnh ngày càng lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tăng lần lượt 4,87% và 5,56%.
Trong mức giảm 0,72% của CPI tháng 3 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/2/2020 và 15/3/2020 làm giá xăng, dầu giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%) và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%...
CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2020 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, có 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý I năm nay, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Có hai nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhóm nguyên nhân đầu tiên là do dịch bệnh Covid-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ của người dân suy giảm, người dân không đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả người lao động. Đồng thời, điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hơn, nguyên vật liệu không đủ nên kinh doanh, sản xuất suy giảm.
Qua số liệu kinh tế của 3 tháng đầu năm và số liệu tổng mức bán lẻ suy giảm rất mạnh, Tổng cục Thống kê cho biết nhóm về lưu trú, ăn uống suy giảm rất mạnh, du lịch suy giảm mạnh, nhóm vận tải đặc biệt vận tải hàng không suy giảm, vận tải đường bộ cũng suy giảm. Đó là những ngành, những nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ Covid-19 đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 hiện đang lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ, tuy nhiên, quý I năm nay, xuất siêu của nước ta vẫn ước đạt 2,8 tỷ USD.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 chỉ đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa đã giảm khá mạnh trong tháng 3, ước đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, vẫn tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%.
Trong khi đó, về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Nhưng tính chung quý I/2020, con số này chỉ đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng trong quý I/2020 ước thặng dư 2,8 tỷ USD, cao hơn con số 1,5 tỷ USD đạt được của quý I năm ngoái.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ và bằng 31% GDP.
Cụ thể, vốn khu vực nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực FDI đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.
Đáng lưu ý, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 nhưng tỷ lệ giải ngân trong quý I vẫn đạt 13,2% kế hoạch năm và tăng 16,4% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bù đắp tăng trưởng do ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 23-27/3, sau khi tăng 2 phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt phiên cuối tuần 27/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.235 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vào phiên thứ Hai, sau đó được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD cả 4 phiên còn lại.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục theo xu hướng tăng mạnh trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 27/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.630 VND/USD, tăng mạnh 170 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự cũng trong xu hướng tăng trong tuần vừa qua, tuy nhiên đà tăng đã giảm so với tuần trước đó. Chốt phiên 27/3, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.720 - 23.820 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 23-27/3, lãi suất VND liên ngân hàng tăng qua các phiên ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 1 tháng. Chốt phiên 27/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,13% (+0,11 điểm phần trăm); 1 tuần 2,28% (+0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 2,45% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tháng 2,65% (-0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng giảm nhẹ trong 4 phiên đầu tuần, nhưng đã tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần ở tất cả các kỳ hạn. Cuối phiên 27/3, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,31% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 1,39% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 1,47% (+0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 1,59% (+0,08 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 23-27/3, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này. Như vậy, có 1 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 301/3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 10%). Toàn bộ khối lượng huy động được ở kỳ hạn 20 năm, lãi suất trúng thầu 3,0% (tăng nhẹ 0,02% so với phiên trước). Kỳ hạn 10 năm và 15 năm không có khối lượng trúng thầu. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 3,3 lần; số thành viên tham gia từ 4 - 12 thành viên.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.310 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 12.979 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua tăng mạnh so với tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn.
Chốt phiên 27/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,07% (+0,30 điểm phần trăm); 2 năm 2,14% (+0,35 điểm phần trăm); 3 năm 2,28% (+0,42 điểm phần trăm); 5 năm 2,49% (+0,40 điểm phần trăm); 7 năm 3,0% (+0,61 điểm phần trăm); 10 năm 3,36% (+0,52 điểm phần trăm); 15 năm 3,44% (+0,51 điểm phần trăm); 30 năm 3,50% (+0,29 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, tuy đà giảm đã chậm hơn so với các tuần trước đó. Kết thúc ngày cuối tuần 27/3, VN-Index đứng ở mức 696,06 điểm, giảm 13,67 điểm (-1,93%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 4,44 điểm (-4,36%) xuống 97,35 điểm; UPCOM-Index giảm 1,03 điểm (-2,07%) xuống mức 48,82 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 4.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị hơn 2.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Tuần vừa qua, thế giới cho thấy sự quyết tâm chống dịch bệnh một cách toàn diện từ nhiều Chính phủ và Quốc hội của các nước. Như vậy, nhiều gói hỗ trợ với tổng giá trị lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã được cam kết và sẽ được thực hiện bởi nhiều cách khác nhau trong tương lai. Tuy vậy, các chỉ số kinh tế của nhiều cường quốc đã cho thấy sự báo động, đặc biệt áp lực đối với lĩnh vực dịch vụ và thị trường lao động.
Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD. Trong tuần, nước này đón nhiều thông tin kinh tế trái chiều, điểm nhấn là chỉ số PMI dịch vụ bắt đầu rơi mạnh và thị trường lao động có dấu hiệu rơi vào khủng hoảng.
Cụ thể, ngày 27/3 Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ trên bằng một cuộc họp và bỏ phiếu từ xa, ngay sau đó đạo luật này được Tổng thống Donald Trump ký để chính thức đi vào thực hiện.
Về chi tiết của gói cứu trợ, ít nhất có 250 tỷ USD cấp trực tiếp cho các cá nhân và các hộ gia đình, 350 tỷ được cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 250 tỷ chi trả bảo hiểm thất nghiệp, 500 tỷ hỗ trợ các công ty gặp khó khăn, 130 tỷ cho các bệnh viện tuyến đầu và 150 tỷ cho các bang chống dịch.
Tại Mỹ, số người nhiễm virus corona đã lên tới hơn 100.000 người, các chuyên gia cảnh báo tốc độ lây lan sẽ còn tiếp tục gia tăng và đỉnh dịch tại nước này sẽ vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, chỉ số PMI sơ bộ lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 39,1 điểm trong tháng 3, giảm mạnh từ mức 49,4 điểm của tháng 2 và xuống sâu hơn dự báo ở mức 44,1 điểm. PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất của Mỹ ở mức 49,2 điểm trong tháng 3, giảm nhẹ so với 50,7 điểm của tháng 2 và tích cực hơn dự báo ở mức 45,1 điểm.
Về thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 20/3 là 3,283 triệu đơn, cao hơn nhiều so với mức 281 nghìn đơn của tuần trước đó đồng thời cao gần gấp đôi so với dự báo ở mức 1,648 triệu đơn, chính thức là mức đơn theo tuần cao nhất trong lịch sử nước này.
GDP chính thức quý IV/2019 của Mỹ tăng 2,1%, không thay đổi so với thống kê sơ bộ và dự báo của các chuyên gia.
Các nước G20 tuyên bố sẽ sử dụng các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ, tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ bao gồm cả Mỹ. Trước khi gói 2.200 tỷ tại Mỹ được thông qua, lãnh đạo các nước G20 đã cùng đi đến tuyên bố chung sẽ sử dụng gói 5.000 tỷ USD để đẩy lùi Covid-19 và những ảnh hưởng từ dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu.
CNN cho biết, có khoảng 7.000 tỷ USD đã được các ngân hàng trung ương và các Chính phủ trên khắp thế giới cam kết cung cấp cho thị trường. Các biện pháp thực hiện gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản.
Tại khu vực Eurozone, ngân hàng trung ương châu Âu ECB cho biết sẽ chi 750 tỷ EUR để thu mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp trong suốt năm 2020. Riêng nước Đức tuyên bố sẽ đưa ra gói hỗ trợ 750 tỷ EUR nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quốc nội.
Liên quan đến thông tin kinh tế, chỉ số PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất của Eurozone ở mức 44,8 điểm trong tháng 3, thấp hơn 49,2 điểm của tháng 2. Mặc dù cao hơn mức 40,0 điểm theo dự báo nhưng tháng 3 vẫn đánh dấu là tháng tồi tệ nhất trong 13 tháng liên tiếp thu hẹp gần đây. Bên cạnh đó, PMI sơ bộ lĩnh vực dịch vụ chỉ ở mức 28,4 điểm trong tháng này, rơi mạnh từ mức 52,6 điểm của tháng trước và sâu hơn nhiều so với dự báo ở mức 40,0 điểm.
Ngân hàng trung ương Anh giữ lãi suất chính sách ở mức 0,1%, khẳng định lại kế hoạch hỗ trợ kinh tế. Trong cuộc họp ngày 26/3, BOE không thay đổi lãi suất chính sách đang ở mức thấp 0,1% được áp dụng kể từ cuộc họp khẩn cấp ngày 19/3. Bên cạnh đó, BOE cho biết cũng không có sự thay đổi đối với kế hoạch mua trái phiếu chính phủ trị giá 200 tỷ GBP, nâng tổng mức nắm giữ lên 645 tỷ.
Liên quan đến kinh tế nước Anh, doanh số bán lẻ nước này giảm 0,3% so với tháng trước trong tháng 2 sau khi tăng 1,1% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. CPI và CPI lõi của nước này cùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 2, sau khi lần lượt tăng 1,8% và 1,6% ở tháng 1, gần khớp so với dự báo lần lượt tăng 1,7% và 1,5% của các chuyên gia.
Hiện tại Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có kết quả dương tính với virus corona. Các chuyên gia cho biết lệnh đóng cửa của nước này đối với thế giới có thể kéo dài đáng kể, thậm chí là cho tới tháng 6.