Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/5
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27-29/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 4/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.247 VND/USD, tiếp tục giảm 10 đồng so với phiên 29/4. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.430 VND/USD, giảm mạnh 30 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.430 - 23.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 4/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,02 - 0,10 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 2 tuần so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 2,08%; 1 tuần 2,24%; 2 tuần 2,40% và 1 tháng 2,60%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 - 0,08 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 0,27%; 1 tuần 0,38%; 2 tuần 0,58%, 1 tháng 1,03%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 7 năm và 15 năm trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 2,05%; 5 năm 2,24%; 7 năm 2,56%; 10 năm 3,0%; 15 năm 3,16%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 4/5, Ngân hàng Nhà nước giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 1.000 tỷ đồng vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày không có đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ nguyên ở mức 1 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 117.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên. Chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 762,47 điểm, giảm 6,64 điểm (-0,86%); HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,05%) xuống 105,72 điểm; UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,59%) xuống 51,91 điểm.
Thanh khoản thị trường xấp xỉ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.400 tỷ đồng. Khối ngoại giảm bán ròng xuống mức 120 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 32,7 điểm trong tháng 4, giảm mạnh so với mức 41,9 điểm trong tháng 3, cho thấy một tháng suy giảm kỷ lục của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã xấu đi hơn trong suốt ba tháng qua. Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất lên sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất. Cả hai tham số này đều giảm nghiêm trọng trong tháng 4 khi các đơn hàng bị hủy và các công ty ngừng hoạt động.
Tin quốc tế
Hãng Reuters đưa tin Washington đang cân nhắc sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của Bắc Kinh liên quan đến việc công bố và xử lý sự bùng phát của virus corona.
Một số quan chức Mỹ cũng cho biết chủ trương của nước này là dịch chuyển dần sự phụ thuộc cung ứng từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác tiềm năng và thân thiện hơn. Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan Mỹ đang tìm các biện pháp để thúc đẩy các công ty loại bỏ cả nguồn cung và sản xuất khỏi Trung Quốc. Những biện pháp này bao gồm những ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp đáng kể khác.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ giảm 10,3% so với tháng trước trong tháng 3 sau khi đi ngang ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo giảm 9,2% của các chuyên gia. Nổi bật nhất trong các danh mục là giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền khi giảm tới 14,7% so với tháng trước trong tháng 3, sâu hơn so với dự báo giảm 14,4%. Bên cạnh đó, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa không lâu bền giảm tương đối mạnh ở mức 5,8% so với tháng trước.
Theo các hãng truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quy mô toàn quốc thêm khoảng một tháng nhằm ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, do tình trạng tại các địa phương khác nhau mà Chính phủ nước này có thể sẽ cho phép nới lỏng hạn chế đối với một số khu vực nhất định. Thủ đô Tokyo và hơn 10 tỉnh thành lớn gần như chắc chắn không nằm trong diện nới lỏng hạn chế.