Điểm lại thông tin kinh tế tuần 26/2-1/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/2 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/2 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng mừng khi cùng thời điểm này năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký.
Cụ thể, về đăng ký dự án mới, có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,09 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%; các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm 3,9%.
Trong 2 tháng đầu năm, có một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới. Lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Dự án 662 triệu USD của CapitaLand (Singapore), đầu tư xây dựng khu đô thị ở khu vực Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park Hà Nội; bên cạnh đó có Dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell (Trung Quốc) tại Thái Nguyên, Dự án 275 triệu USD của Gokin Solar (HongKong, Trung Quốc) tại Hải Hà, Quảng Ninh,...
Tuy nhiên, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 68% so với cùng kỳ năm trước với tổng giá trị góp vốn 255,4 triệu USD. Trong đó, có 131 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 131,5 triệu USD và 236 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 123,9 triệu USD.
2 tháng đầu năm, các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam đều là các đối tác truyền thống và đến từ châu Á. 5 đối tác dẫn đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần 85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định thận trọng rằng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 2024 có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, chỉ tăng 1,3% so với năm 2023 (năm 2023 vốn thực hiện đạt 23,18 tỷ USD).
Điểm đáng chú ý, tương tự như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu đang phát triển ở Việt Nam với 70% giá trị XK đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tương lai gần, tăng trưởng của ngành bán dẫn Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và phần lớn sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu. Là một xu thế mới, với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và thị phần nắm giữ trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị bán dẫn, các công ty Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng FDI vào Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới.
Một chính sách mới đáng quan tâm có hiệu lực từ 1/1/2024 liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo đó, từ ngày 01/01/2024 áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Tóm lược thị trường trong nước từ 26/2 - 1/3
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 26/2 - 1/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt ngày 1/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.002 VND/USD, tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.152 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 26/02 - 01/03 tăng tiếp phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó đã giảm trở lại. Kết thúc phiên 01/03, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.650 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 01/03, tỷ giá tự do tăng 190 đồng ở chiều mua vào và 180 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.340 VND/USD và 25.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 26/2 - 1/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 01/03, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,47% (-2,16 điểm phần trăm); 1 tuần 1,63% (-1,94 điểm phần trăm); 2 tuần 1,86% (-1,49 điểm phần trăm); 1 tháng 2,44% (-0,30 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 01/03, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,19% (không thay đổi); 1 tuần 5,29% (không thay đổi); 2 tuần 5,34% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,40% (không thay đổi).
Trên thị trường mở tuần qua từ 26/02 - 01/03, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 23.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 6.037,51 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy NHNN hút ròng 6.037,51 tỷ đồng từ thị trường, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 28/02, Kho bạc nhà nước huy động thành công 10.250 tỷ đồng/10.750 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu là 95%. Trong đó, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lượng trái phiếu chính phủ gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 3.750 tỷ đồng. Kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,42% (+0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm 2,31% (+0,03 điểm phần trăm), 15 năm 2,51% (+0,03 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 06/03, Kho bạc nhà nước chào thầu 8.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 2.500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 9.949 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 12.606 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua có sự phân hóa giữa các kỳ hạn. Chốt phiên 01/03, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,21% (không đổi so với tuần trước đó); 2 năm 1,24% (không đổi); 3 năm 1,28% (không đổi); 5 năm 1,46% (-0,01điểm phần trăm); 7 năm 1,84% (-0,05 điểm phần trăm); 10 năm 2,33% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,57% (-0,02 điểm phần trăm); 30 năm 3,01% (+0,01 điểm phần trăm).
Trong tuần từ 26/2 - 1/3, thị trường chứng khoán rất tích cực khi cả 3 sàn đều tràn ngập sắc xanh. Chốt phiên 01/03, VN-Index đứng ở mức 1.258,28 điểm, bật tăng 46,28 điểm (+3,82%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 5,35 điểm (+2,32%) lên mức 236,43 điểm; UPCom-Index thêm 1,0 điểm (+1,11%) đạt 91,16 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức khá cao với giá trị giao dịch đạt mức tương tự tuần trước đó khoảng 25.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Cơ quan Thống kê Kinh tế Mỹ cho biết GDP của nước này tăng 3,2% so với quý trước trong quý IV/2023 theo báo cáo sơ bộ lần 2, thấp hơn so với kết quả tăng 3,3% của kết quả sơ bộ lần 1. Nền kinh tế Mỹ đã có 6 quý tăng trưởng liên tiếp. Trong suốt năm 2023 vừa qua, GDP Mỹ tăng khoảng 2,5%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2022.
Tiếp theo, liên quan đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà tăng 0,1% của tháng trước đó và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, PCE toàn phần cũng tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng cuối năm. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi và PCE toàn phần lần lượt tăng 2,8% và 2,4% trong tháng Một vừa qua, cùng giảm tốc so với mức 2,9% và 2,6% của tháng trước đó.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 24/02 ở mức 215 nghìn đơn, tăng nhẹ so với mức 202 nghìn của tuần trước đó, đồng thời cao hơn mức 209 nghìn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất là 212,5 nghìn đơn, tăng 3 nghìn so với trung bình 4 tuần trước đó.
Về lĩnh vực sản xuất, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ công bố PMI lĩnh vực này chỉ đạt 47,8% trong tháng 2, giảm xuống từ 49,1% của tháng 1 và trái với kỳ vọng tăng nhẹ lên 49,5%. Cuối cùng, ở thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ giảm 4,9% m/m trong tháng 1 sau khi tăng 5,7% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 1,4%. So với cùng kỳ năm 2023, mức doanh số của tháng 1 rơi khoảng 8,8%.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde có phát biểu thận trọng về lạm phát, bên cạnh đó khu vực Eurozone cũng đón nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần qua. Ngày 26/02, trong bài phát biểu thường niên tại Strasbourg, bà Lagarde cho biết lạm phát tại khu vực Eurozone sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tương lai, nhưng ECB cần nhìn thấy những bằng chứng cho thấy lạm phát về lại mức mục tiêu 2% của cơ quan này. Bà nhận định áp lực của tốc độ tăng lương vẫn đang rất mạnh, và có thể trở thành động lực quan trọng đối với giá cả hàng hóa trong những quý tới.
Cuối cùng, Chủ tịch Lagarde nhấn mạnh, ECB sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong việc mang lại sự ổn định giá cả, dựa trên những dữ liệu để đưa ra các quyết định phù hợp. Liên quan đến kinh tế Eurozone, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của khu vực này lần lượt tăng 2,6% và 3,1% so với cùng kỳ trong tháng Hai, cùng hạ nhiệt so với mức tăng 2,8% và 3,3% của tháng trước đó, tuy nhiên vẫn lớn hơn so với mức 2,5% và 2,9% theo dự báo.
Tại nước Đức nói riêng, CPI toàn phần tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,2% ở tháng Một, so với cùng kỳ tăng 2,5%.
Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ở mức 6,4% trong tháng Một, đi ngang so với kết quả thống kê tháng trước đó và khớp với dự báo. Cuối cùng, S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone chính thức ở mức 46,5 điểm trong tháng 2, điều chỉnh tăng so với mức 46,1 điểm theo khảo sát sơ bộ, không cải thiện so với mức 46,6 điểm của tháng Một.