Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 24-28/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/2 |
Tổng quan
Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả nước tháng 2/2020 giảm nhẹ so với tháng trước nhưng CPI 2 tháng đầu năm vẫn có mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng lần lượt 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Lý do được đưa ra là chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng.
Cụ thể, trong mức giảm 0,17% của chỉ số CPI tháng 2/2020 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5% do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 14/2/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2% (tác động làm CPI chung giảm 0,22%), đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán (giá vé ô tô khách giảm 0,21%; giá vé tàu hỏa giảm 8,93%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh…
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26% (trong đó: lương thực tăng 0,32% do giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước tăng 0,34%; thực phẩm giảm 0,07%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13% do nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18%...
CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng trong tháng 2/2020 nhờ Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 19,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,5 tỷ USD, tăng 12,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 39,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 32%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,05 tỷ USD, tăng 3,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính tăng 26%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 29,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 37,10 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 176 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,94 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,76 tỷ USD.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giảm giá xăng dầu từ ngày 29/02/2020. Cụ thể, Xăng E5RON92: giảm 157 đồng/lít; Xăng RON95-III: giảm 253 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 390 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 278 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 102 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 18.346 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 19.127 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 14.785 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 13.676 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.754 đồng/kg.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 24-28/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trong 2 phiên đầu tuần và giảm khá mạnh trở lại 3 phiên còn lại. Chốt phiên cuối tuần 28/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.224 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.871 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua tăng mạnh 2 phiên đầu tuần, sau đó giảm trở lại mức chốt tuần trước đó. Kết thúc phiên 28/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.240 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do tăng đột biến đầu tuần rồi giảm dần trở lại. Chốt phiên 28/02, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.250 - 23.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 24-28/2, lãi suất VND liên ngân hàng tăng ở 2 phiên đầu tuần, sau đó giảm mạnh trở lại ở 3 phiên cuối tuần ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt phiên 28/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,03% (-0,27 điểm phần trăm); 1 tuần 2,30% (-0,17 điểm phần trăm); 2 tuần 2,50% (-0,07 điểm phần trăm); 1 tháng 2,78% (+0,05 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua khi chốt tuần giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn và tăng/giảm nhẹ ở các kỳ hạn dài hơn. Cuối phiên 28/2, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 1,70% (không thay đổi); 1 tuần 1,79% (không thay đổi); 2 tuần 1,88% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,02% (-0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 24-28/2, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,65%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 11.000 tỷ đồng. Như vậy khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức gần 120.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần qua, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, trong tuần có 21 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 11.019 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 4.821/6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 80%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.666/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.934/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 1.221/2.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,79% (tăng 2 điểm so với phiên đấu thầu trước); kỳ hạn 15 năm tại 2,88% (tăng 3 điểm); kỳ hạn 30 năm tại 3,55% (giảm 15 điểm). Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 2,7 lần - giảm so với mức 4,2 lần của tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.862 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 11.522 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua rất ít biến động so với tuần trước đó.
Chốt phiên 28/2, lợi suất trái phiếu chính phủ được giao dịch quanh 1 năm 1,76% (không thay đổi); 2 năm 1,83% (+0,03 điểm phần trăm); 3 năm 1,89% (không thay đổi); 5 năm 1,96% (-0,02 điểm phần trăm); 7 năm 2,36% (không thay đổi); 10 năm 2,87% (không thay đổi); 15 năm 2,95% (-0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,54% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/2, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khi các chỉ số liên tục giảm điểm mạnh. Kết thúc ngày cuối tuần 28/2, VN-Index đứng ở mức 882,19 điểm, giảm mạnh 50,90 điểm (-5,45%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,49 điểm (+1,38%) lên 109,58 điểm; UPCOM-Index giảm 1,25 điểm (-2,22%) xuống mức 55,05 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 4.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tương tự tuần trước đó với giá trị hơn 1.048 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Liên quan đến dịch Covid-19, Hàn Quốc nóng lên từng ngày và hầu như chưa có kế hoạch đối phó, Trung Quốc có những hành động cụ thể hơn. Tính đến ngày 31/3, Hàn Quốc đã ghi nhận 3.736 ca nhiễm virus Covid-19, trong đó đã có 20 bệnh nhân tử vong do virus này.
Đã có khoảng 80 quốc gia trên thế giới tiến hành hạn chế nhập cảnh đối với cư dân Hàn Quốc, nhất là các tỉnh Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là thách thức rất lớn và có thể ảnh hưởng rất mạnh tới kinh tế Hàn Quốc và quốc tế.
Trong tuần qua, Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo về việc nhiều ngành nghề, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, cùng với khả năng phục hồi không mấy khả quan. NHTW Hàn Quốc BOK trong ngày thứ Năm đã không thay đổi lãi suất chính sách, mặc dù được thị trường kỳ vọng sẽ hành động để hỗ trợ kinh tế.
Tại Trung Quốc, chính sách cô lập Vũ Hán dường như đang tỏ ra hiệu quả khi số người tử vong và số ca nhiễm tăng chậm dần qua từng ngày. Cho đến hiện tại số người nhiễm ở vào khoảng 80.000 và số người chết là 2.870 người.
Bên cạnh đó, NHTW Trung Quốc BOJ vừa cho thấy động thái có thể hạ lãi suất tiền gửi nhằm hỗ trợ kinh tế. Ngoài ra, Bắc Kinh đã bắt đầu sửa đổi chính sách và sẽ sớm chấp nhận đơn xin miễn trừ thuế quan từ các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Mỹ trong tiến trình thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung.
Nước Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý, GDP quý IV của nước này đã không có sự điều chỉnh ở mức tăng 2,1%, GDP năm 2019 là 2,3%, theo kết quả của báo cáo sơ bộ lần 2. Ngoài ra, các chỉ số kinh tế khác của nước Mỹ vẫn cho thấy kinh tế nước này đang tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Liên minh Châu Âu tuần qua gặp sự phản ứng mạnh của nước Anh về những thỏa thuận thương mại mà hai bên có thể ký kết sau khi kết thúc Brexit. Về thông tin kinh tế khu vực, nước Đức đón nhận nhiều chỉ số trái chiều, nổi bật nhất là việc GDP Đức không tăng trưởng trong quý IV/2019, tuy nhiên mức niềm tin kinh doanh đã tăng nhẹ trong tháng 2 thay vì dự báo giảm sút.
Chứng khoán thế giới tuần qua chìm trong sắc đỏ khi dịch Covid-19 đã cho thấy sự lây lan mạnh hơn bên ngoài lục địa Trung Quốc. Nói riêng về chứng khoán Mỹ, Dow Jones lao dốc hơn 12%, S&P 500 sụt 11,5% và Nasdaq Composite giảm 10,5%. Thị trường nước này có tuần tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm về trước.
Giá vàng giảm mạnh trong tuần qua (-3,56% so với tuần trước) khi các nhà đầu tư bán tháo để chốt lời tạo ra xu hướng giảm trong ngắn hạn của vàng. Giá dầu giảm giảm mạnh trong tuần qua (-16,15% so với tuần trước). Đây là tuần giảm mạnh nhất trong hơn 11 năm khi nhu cầu dầu thô lao dốc, trong bối cảnh Covid-19 gây áp lực quá nặng nề lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC cùng với các đồng minh sẽ tổ chức cuộc họp vào tuần này để thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu.