Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Thực hiện sớm để gỡ khó cho người dân và nền kinh tế
Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Sao vẫn là 11 triệu? Tăng mức giảm trừ gia cảnh, tháo “gánh nặng” cho người nộp thuế |
Quy định chưa sát thực tế
Luật Thuế TNCN được ban hành từ năm 2007, tính tới thời điểm hiện tại mới trải qua 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2013 và năm 2020. Theo quy định hiện hành, mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Mức giảm trừ gia cảnh này được duy trì từ tháng 7/2020.
Tuy nhiên, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam đánh giá, cơ chế và các hình thức giảm trừ thuế TNCN hiện hành của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng và chưa mang tính thực tiễn cao. Việc chỉ sử dụng tiêu chí chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vượt 20% để xem xét điều chỉnh chưa hoàn toàn phản ánh khách quan mức sống của người dân. Do CPI được tính dựa trên các nhóm mặt hàng và dịch vụ cố định (dịch vụ ăn uống, may mặc, y tế...), trong khi đó, luôn xuất hiện các mặt hàng mới, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ mới có lượt mua cao trên thị trường mà CPI chưa kịp cập nhật, dẫn tới chỉ số CPI được tính toán có thể không thể hiện được sức mua thực tế, qua đó tăng thu nhập của người dân. Do đó, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là cần thiết, để đảm bảo hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người nộp thuế.
Người dân, doanh nghiệp mong chờ sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh |
Chật vật giữa khó khăn
Việc xem xét điều chỉnh quy định là hoàn toàn có cơ sở vì từ sau dịch Covid-19, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên rất nhiều, nhất là tại các đô thị lớn. Trong khi thu nhập của người lao động sụt giảm do kinh tế khó khăn. Đơn cử như gia đình anh Việt Trung (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, từ giữa năm 2023 thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào mức lương khoảng 35 triệu đồng/tháng của anh. Thu nhập sau giảm trừ gia cảnh 15,4 triệu đồng/tháng thì khoản phải nộp thuế TNCN là 19,6 triệu đồng/tháng, rơi vào bậc 4 theo biểu tính thuế TNCN cho phần thu nhập tính thuế 18-32 triệu đồng/tháng với mức thuế suất 20%. Tính ra mỗi tháng anh phải đóng số tiền thuế hơn 2,2 triệu đồng, số thuế TNCN cả năm hơn 27 triệu đồng. Theo anh Trung, mức giảm trừ gia cảnh quá thấp vì chi phí sinh hoạt cuộc sống gồm tiền điện, nước, thuê nhà... đều tăng; chi phí học hành, ăn uống, chữa bệnh... ở đô thị cũng tăng, đây là khoản tốn nhiều nhất và rất khó để giảm chi, thậm chí cao hơn cá nhân người nộp thuế.
Cũng chật vật lo chi phí sinh hoạt gia đình tại thành phố lớn, chị Thanh Thảo (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chồng mất sớm nên mọi chi phí sinh hoạt của hai mẹ con đều cậy nhờ vào số tiền lương 18 triệu đồng/tháng của chị. Mỗi tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh, chị phải đóng thuế TNCN khoảng 1,5 triệu đồng, tuy không quá nhiều nhưng tháng nào chị cũng lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”. “Hai mẹ con cũng được xếp vào dạng nghèo ở đô thị vậy mà vẫn phải đóng thuế TNCN thì bất cập quá”, chị Thảo than thở.
Không chỉ người dân, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng không khỏi lo lắng. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Tổng Giám đốc CTCP 360, hiện nhiều doanh nghiệp trả lương cho nhân viên và người lao động theo hình thức "lương net", nghĩa là người lao động chỉ việc nhận khoản lương cố định mỗi tháng, các chi phí về thuế, khấu trừ sẽ do doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm tính toán và nộp lại cho cơ quan ban ngành liên quan. Như vậy, việc trả thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh sẽ do doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mức giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam Điều chỉnh theo chu kỳ để kịp thời phản ánh biến động về môi trường kinh tế Để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cập nhật trước khi Luật Thuế TNCN được sửa đổi. Trường hợp chính sách giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng, quy trình quản lý thuế cũng cần được cập nhật để đảm bảo chặt chẽ trong việc theo dõi, kê khai người phụ thuộc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao. Việc rà soát và điều chỉnh này nên được tiến hành hàng năm hoặc chu kỳ 2 năm/lần để kịp thời phản ánh những biến động về môi trường kinh tế, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế, thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%; cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại. Dẫu vậy, để có phương án và lộ trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp và hiệu quả, cần cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm những tác động ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý thuế, đồng thời cải cách, đổi mới nền tảng kê khai thuế điện tử cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để thuận tiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về kê khai cho người lao động trong việc áp dụng cơ chế giảm trừ gia cảnh mới… PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính Thuế là công cụ công bằng, hiệu quả và phải triển khai công khai, minh bạch để khuyến khích người dân nộp thuế, chứ không phải để ép buộc. Nếu thuế thu cao quá, sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của người dân, còn nếu thu thấp quá, lại không đảm bảo ngân sách. Do đó, việc sửa đổi cần có tính toán khoa học hơn trên cơ sở các khảo sát đánh giá để đưa ra mức giảm trừ gia cảnh phù hợp. Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cần phải có mức bình quân cho từng vùng khác nhau, vì mức sống ở thành thị và nông thôn sẽ rất khác nhau, đặc biệt là nếu so sánh nông thôn, miền núi với các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có sự chênh lệch rõ rệt, vì thế không thể “cào bằng” các vùng miền. Nếu nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được áp dụng sớm thì dĩ nhiên thu nhập thực thụ của người dân sẽ tăng lên, từ đó kích cầu tiêu dùng, cầu tăng, cung sẽ tăng, tác động rất tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng nguồn thu cho ngân sách bằng những sắc thuế khác. TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Tiêu dùng gia tăng được xem là động lực chính để kích thích sản xuất tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển thì các khoản thuế, phí khác sẽ được nộp nhiều hơn. Nếu người lao động được nâng mức giảm trừ gia cảnh, đồng nghĩa với mức thuế phải đóng ít hơn thì sẽ có thêm tiền để chi tiêu hay thậm chí còn tích lũy cũng sẽ đưa ra đầu tư vào nền kinh tế. Do đó, cần đề xuất để Quốc hội sớm phê duyệt nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm nay để hỗ trợ người dân và nền kinh tế mà không cần chờ đến khi sửa luật Thuế TNCN. Khi sửa luật Thuế TNCN, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xem xét để có thể không đưa ra quy định cứng về mức giảm trừ gia cảnh như hiện tại, mà nên điều chỉnh 1-2 năm/lần, dựa vào các chỉ số lạm phát, chỉ số CPI và mức chi tiêu bình quân của người dân mỗi năm để có công thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho năm kế tiếp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh thuế TNCN để khuyến khích người lao động có thu nhập cao. Đặc biệt, với bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, chính sách tài khóa hướng đến người lao động là rất quan trọng. |