Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột
Tầm nhìn đến năm 2050
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg xác định mục tiêu quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đến năm 2030 đạt 5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm.
Thế nhưng, theo Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 978/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn đến năm 2015, tổng công suất 300.000 hành khách/năm, giai đoạn đến năm 2025 là 800.000 hành khách/năm.
Việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk |
Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn và tỉnh Đắk Lắk xác định việc điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết. Việc điều chỉnh này nhằm đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, 10 nghìn tấn hàng hóa/năm; định hướng đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm, 15 nghìn tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Ngày 7/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Ông Tuấn cho rằng, việc Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ được điều chỉnh theo hướng kế thừa kiến trúc cảnh quan, phát huy văn hóa của địa phương, bảo đảm kết nối ngành hàng không và đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.
Tại buổi làm việc, Công ty TNHH Một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC cho hay, về điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đơn vị tư vấn đã tính toán và đưa ra các phương án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hàng không dân dụng của địa phương.
Theo đó, đối với khu bay, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án: giữ nguyên đường cất hạ cánh, đường lăn nối, sân đỗ máy bay hiện hữu, xây dựng đường lăn song song, 7 đường lăn nối, 2 đường lăn thoát nhanh ở hai đầu đường cất hạ cánh hoặc khi có nhu cầu, mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách về phía tây, đến năm 2030 tổng công suất 5 triệu hành khách/năm.
Đồng thời, đề xuất nắn tuyến đường nối đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để thuận lợi cho việc phát triển dài hạn của cảng hàng không. Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng khai thác với công suất quy hoạch 7 triệu hành khách/năm và có khả năng mở rộng lên 10 triệu hành khách/năm khi có yêu cầu.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch nhà ga sân bay, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án: Thời kỳ 2021 – 2030, cải tạo, nâng cấp nhà ga T1 khi có nhu cầu, đảm bảo khai thác công suất 2 triệu hành khách/năm. Quy hoạch nhà ga hành khách mới T2 đáp ứng tối thiểu 3 triệu hành khách/năm, kết nối với nhà ga hiện hữu T1 bằng đường dẫn dài khoảng 240m, tổng công suất 5 triệu hành khách/năm.
Thời kỳ sau 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 thêm 2 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất quy hoạch 5 triệu hành khách/năm, tiếp tục sử dụng nhà ga hiện hữu T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất nhà ga T1+T2 là 7 triệu hành khách/năm.
Kiến nghị quy hoạch cảng hàng không quốc tế
Về quy hoạch giao thông kết nối, đơn vị tư vấn đề xuất phương án làm đoạn đường nối dài 4,5km nối điểm đầu cao tốc với đại lộ Đông - Tây cắt qua một phần của ranh giới quy hoạch theo Quyết định số 978/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Cụ thể, điều chỉnh tuyến đường nối đoạn qua Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cách mép sân đỗ hiện hữu khoảng 450m, giữ nguyên điểm đầu và cuối tuyến đường nối để đảm bảo quỹ đất quy hoạch bố trí nhà ga hành khách và các công trình phục vụ mặt đất đồng bộ tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.
Theo tính toán tầm nhìn đến năm 2050, với công suất quy hoạch của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là 7 triệu hành khách/năm, do đó trong hồ sơ quy hoạch, đơn vị tư vấn đề xuất kết nối giao thông của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với tuyến đường nối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây là kết nối đồng mức.
Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo mục tiêu hàng không dân dụng, có nhiều đường bay cất hạ cánh nội địa và quốc tế. Bộ Giao thông vận tải sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế để có điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp. Đồng thời, đề nghị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc thiết kế khu nhà ga hành khách có kiến trúc tôn lên vẻ đẹp, văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.
Việc quy hoạch khớp nối các tuyến đường với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cần đảm bảo phù hợp với phát triển dài hạn |
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Đoàn xem xét, có ý kiến về việc đưa Cảng hàng không Buôn Ma Thuột vào quy hoạch cảng hàng không quốc tế.
Ông Nghị cho rằng, tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của Tây Nguyên. Tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Trung ương và địa phương ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ngoài các tuyến giao thông đường bộ đối nội, đối ngoại, sẽ ưu tiên phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Song tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-UBND thì Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lại không có trong hệ thống 14 cảng hàng không quốc tế của cả nước giai đoạn nêu trên.
UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định việc nâng cấp Cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đắk Lắk phát triển và TP. Buôn Ma Thuột thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng Bộ Chính trị đề ra. Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là cấp thiết.