Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá: Hành động kịp thời và phù hợp
Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và xu hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ ±3% lên ±5%. NHNN Việt Nam cũng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, các chuyên gia đều đánh giá cao bước đi chủ động này của NHNN nhằm giúp cho công tác điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn thị trường trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, tạo nhiều sức ép đến tỷ giá trong nước.
Tăng biên độ sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc xác định tỷ giá. |
TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia:
Bước đi đúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
TS. Trương Văn Phước |
NHNN đã phát đi một thông điệp rằng tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố tạo ra một không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài, nhân dân... có thể lựa chọn các cách thức để xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường. Song NHNN vẫn phải là người mua - bán cuối cùng làm sao cho tỷ giá đạt được ở vùng giá tối ưu hài hòa các lợi ích kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao lên, lạm phát kiểm soát được kích thích dòng vốn, ngăn ngừa nhập khẩu lạm phát.
Trong hơn một năm trở lại đây, NHNN sử dụng nhiều giải pháp làm sao để đồng tiền mất giá ít nhất mà vẫn đảm bảo các cân đối lớn. Tuy nhiên, thời điểm này không thể hình dung được Mỹ sẽ thắt chặt chính sách đến đâu và chừng nào lạm phát trên toàn cầu còn cao, chúng ta phải lựa chọn bước đi phù hợp.
Tất nhiên, không có chính sách nào nói đúng 100% mà phải qua thực tiễn của thị trường. Đặc biệt là thị trường ngoại hối vốn hết sức linh hoạt, nhạy cảm với các biến số không chỉ ở trong nước mà liên quan đến các biến số quốc tế. Với tỷ giá, không thể có chính sách bất di bất dịch, cũng như cơ chế tỷ giá cố định, mà chúng ta cần điều hành hết sức linh hoạt, có điều tiết. Mà việc điều tiết thể hiện ở hai biến số là tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch trên thị trường ngoại hối.
Thực tế, ở nước nào ngăn cho đồng nội tệ mất giá ít đi thì đó là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát. Sở dĩ, đến thời điểm này, Việt Nam có lạm phát thấp như vậy có sự đóng góp một phần của tỷ giá hối đoái khi đồng VND mất giá ít đi. Đương nhiên tỷ giá phải đáp ứng đa mục tiêu như tôi đã nói ở trên. Cho nên đối với điều hành tỷ giá tăng nhanh quá cũng không được, tăng chậm quá cũng không xong, làm sao để hài hoà các lợi ích trong một bối cảnh như thế đòi hỏi chính sách tỷ giá hối đoái nói riêng, quản lý ngoại hối nói chung là phải hết sức linh hoạt.
Đó là cảm nhận của tôi khi NHNN mở rộng biên độ giao dịch từ ±3% lên ±5%. Đến giờ phút này tôi cho rằng, những bước đi, công cụ chính sách của NHNN đang thực thi khá phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Điều chỉnh giá trị tiền đồng là khó tránh
TS. Lê Xuân Nghĩa |
NHNN đã thực hiện hai động thái cùng lúc điều chỉnh biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% và điều chỉnh tỷ giá trung tâm. Có hai lý do NHNN cùng lúc phải điều chỉnh biên độ tỷ giá, đồng thời nâng tỷ giá trung tâm.
Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, EUR và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất thì đồng Nhân dân tệ cũng mất giá khoảng 8%. Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị tiền đồng là khó tránh.
Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như NHNN đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá để hạn chế việc phải bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết. Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá ±3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, nguyên nhân nữa khiến NHNN phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).
Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá, chúng tôi theo dõi thị trường nhận thấy tác động tâm lý không lớn. Đây có thể là một trong những thành công trong các lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
Ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam:
Thể hiện sự linh hoạt trong điều hành
Ông Francois Painchaud |
Động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN thể hiện sự linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời, phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam.
Như đã lưu ý trong Triển vọng Kinh tế thế giới gần đây của chúng tôi, thế giới đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó với lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến đồng đôla Mỹ mạnh lên.
Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với USD, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực. Nhưng đồng VND mất giá không nhiều so với các nước khác.
Với nền tảng kinh tế phát triển vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp thì việc điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt là cần thiết. Các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó với lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai. Những biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế
TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo cân bằng cung - cầu ngoại tệ
TS. Nguyễn Hữu Huân |
Chúng ta thấy áp lực đến từ nhiều phía đối với điều hành tỷ giá. Trên thị trường tài chính thế giới, việc Fed vẫn còn có khả năng tăng lãi suất trong quý IV/2022 gây áp lực lên tỷ giá. Ở trong nước, những tháng cuối năm thường theo yếu tố mùa vụ, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn để phục vụ cho dịp tết, nhất là năm nay tết Âm lịch đến sớm.
Cầu ngoại tệ tăng cao dẫn đến gây căng thẳng cho tỷ giá thời điểm này. Do vậy, việc NHNN lựa chọn điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là phù hợp. Qua đó cho phép tỷ giá biến động trong biên độ rộng hơn để đảm bảo cân bằng cung - cầu ngoại tệ cuối năm.
Việc NHNN không sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường trong lúc này theo tôi hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta không nên sử dụng quá nhiều dự trữ ngoại hối vì hiện tại quỹ này cũng chỉ khoảng 10 tuần nhập khẩu nên cần phải đảm bảo duy trì ở mức phù hợp. Qua giai đoạn căng thẳng, nhu cầu ngoại tệ giảm xuống, thị trường ngoại tệ sẽ quay trở lại ổn định nên nếu sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối can thiệp tôi cho rằng lãng phí nguồn lực này.
Có thể việc tăng tỷ giá dẫn đến nhập khẩu lạm phát vì doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng hóa với giá cao. Nhưng hiện nay lạm phát vẫn đang dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra nên có thể lựa chọn điều chỉnh tỷ giá đảm bảo quỹ dự trữ ngoại hối. Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, có điều tiết không thả nổi hoàn toàn, thậm chí có thể cho phép biên độ dao động lớn hơn để hạn chế nhu cầu đầu tư tích trữ, nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu…