Định hướng phát triển các khu đô thị như thế nào?
Đô thị xanh - ích lợi và thách thức | |
Đô thị thông minh “nở rộ” ở Việt Nam |
Nhiều người lựa chọn Phú Mỹ Hưng vì tiêu chí “xanh” |
Ngược dòng thời gian, ngày 15/6/1997, Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) tiền thân của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng đã chính thức khởi công xây dựng Khu đô thị mới Linh Đàm, khởi động mô hình khu đô thị mới đầu tiên trong cả nước với tên gọi Khu Dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm với hơn 100 ha, trong đó có đến 74 ha dành cho quy hoạch mặt nước, hồ Linh Đàm là hồ móng ngựa.
Theo quy hoạch ban đầu, khu Linh Đàm chỉ đáp ứng một lượng rất nhỏ cư dân về sinh sống, với khoảng 50% mặt nước và hệ thống mật độ công viên cây xanh rất cao, 13m2/người.
Thậm chí, Dự án hồ Linh Đàm đã được nhận giải thưởng kiến trúc quốc gia và giải thưởng Thăng Long của Hà Nội; thời đó dự án Linh Đàm đã trở thành một trong hai khu đô thị kiểu mẫu được Bộ Xây dựng công nhận. Giờ nhiều người đã không còn nhận ra hình hài một đô thị Linh Đàm của ngày xưa. Đó cũng là những chia sẻ buồn của ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam tại tọa đàm “Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và Xu hướng mới” vừa diễn ra mới đây.
Khu đô thị Linh Đàm có kết cục như hôm nay không phải do lỗi của các nhà quy hoạch mà lỗi do khâu tổ chức thực hiện, quản lý cuối cùng có vấn đề, sau nhiều lần điều chỉnh đã khiến quy hoạch bị méo mó, cắt xén, băm nát. Nhiều đô thị lớn của cả nước cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Tính đến nay, hệ thống đô thị cả nước có tổng số 813 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Với các đô thị lớn từ loại III trở lên, vấn đề của Linh Đàm phổ biến trên đô thị khắp nước.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhận định, chỉ cần nhìn vào tỷ lệ đô thị hóa người ta biết chỉ số phát triển của mỗi quốc gia. Với tỷ lệ đô thị hóa nước ta mới đạt 34,4% (theo số liệu điều tra dân số và hộ gia đình 2019), ngang mức đô thị hóa của Đông Timor và Campuchia, tức là quá thấp so với mức trung bình trên toàn thế giới là 50%. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam mới chỉ thể hiện về số lượng còn tiêu chí chất lượng rất quan trọng lại đang bị bỏ ngỏ, chưa có đánh giá cụ thể. Mà nhược điểm lớn nhất là chất lượng đô thị không cao.
Cụ thể như khả năng tạo việc làm thấp, mất cân đối giữa dân số và hạ tầng, kể cả kỹ thuật, xã hội và môi trường. Các nhà đầu tư luôn hướng theo việc tạo không gian ở nhiều nhất để tìm kiếm lợi nhuận từ kinh doanh, giảm nhiều nhất các không gian hạ tầng cả về giao thông lẫn hạ tầng xã hội. Thiếu đi các khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện cũng là nguyên nhân hình thành nên một số “đô thị ma”, không hấp dẫn người tới ở, tạo nên tồn kho bất động sản gắn với nợ xấu.
Về nguyên lý, đô thị hóa là quá trình làm cho môi trường đô thị thay đổi và những quy hoạch đô thị cũng phải thay đổi theo để thích ứng với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vẫn cần phải có sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường bền vững và phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm.
Tiến trình phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua vẫn cơ bản dựa trên 3 hình thức: Một là, nâng cấp các đô thị hiện tại (vẫn thường gọi là chỉnh trang đô thị); Hai là quy hoạch và chuyển từ đơn vị hành chính nông thôn sang đơn vị hành chính đô thị (chuyển một phần xã thành thị trấn; một phần huyện thành quận, thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh); Ba là thực hiện các dự án phát triển khu đô thị mới, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Ở chiều ngược lại, quá trình đô thị hóa khiến cho dân số ở các đô thị, đặc biệt tại 2 đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày một gia tăng tạo thêm nhiều sức ép lên môi trường như khói bụi, rác thải, chất thải... Dân số gia tăng kéo theo số lượng các dự án khu đô thị mới cũng mọc lên ngày càng nhiều, từ đó lại tạo thêm nhiều áp lực lên môi trường sống.
Giải pháp cho quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, vẫn dựa trên định hướng chung với 2 triết lý: phát triển “xanh” và phát triển “thông minh”. Phát triển “xanh” là phát triển đô thị gắn với các tiêu chí bảo đảm môi trường như cây xanh, mặt nước, khí trời, ánh sáng trời, giảm phát thải, giảm sử dụng năng lượng và Phát triển “thông minh” là phát triển hệ thống quản lý và dịch vụ đô thị dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động phân tích thông tin nhằm thỏa mãn cao nhất nhu cầu của cư dân với chi phí thấp nhất. Điều này lý giải vì sao mọi người vẫn nói thích lựa chọn Ecopark hay Phú Mỹ Hưng bởi họ giải quyết được vấn đề xanh.
Nhiều khu đô thị được đầu tư đồng bộ, có diện tích rộng hàng trăm ha, đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú gắn với nhiều chủ đề như đô thị mới công nghiệp, đô thị mới nông nghiệp, đô thị mới du lịch, đô thị mới thể thao… góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị mới cùng với hàng chục tên gọi khác nhau, như: Khu đô thị sinh thái, Khu đô thị xanh; Khu đô thị thông minh… cũng khiến người mua nhà gặp khó trong việc lựa chọn và định danh từng dự án.
Nên lúc này rất cần đặt ra các tiêu chí trong phát triển các khu đô thị mới về “xanh”, “thông minh”, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Mặt khác, định vị các khu đô thị mới cần được phân tích theo các yếu tố địa kinh tế sao cho bảo đảm chất lượng đô thị hóa cao.