Doanh nghiệp cần làm gì để đưa nông nghiệp "cất cánh"?
![]() |
Đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế và dàn trải, khiến nông nghiệp Việt khó "cất cánh" |
Đầu tư hiệu quả và phong phú
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nhìn nhận, vài ba chục năm gần đây lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng tài chính cũng phát triển nhanh. Song cái gốc của Việt Nam vẫn là nông nghiệp. Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn.
Đặc biệt, khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam lại cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm. Các sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được vô cùng phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây…, thậm chí có dư bán cho nhiều quốc gia khác.
Gần đây nhất, PepsiCo phối hợp với GDA-USAID và Công ty Syngenta đã tập trung vào phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường năng lực nông dân bằng việc áp dụng công nghệ máy quan trắc thời tiết, drone, sổ tay nông hộ điện tử... Nhờ đó, năng suất khoai tây tăng gấp 3 lần, trung bình đạt 23-26 tấn/ha (cao nhất 52 tấn), giảm chi phí thuốc trừ sâu 2 triệu đồng/ha, giảm gần 3.800m3 nước/ha.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầy mạnh đầu tư, vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. Đơn cử, một số doanh nghiệp đang tham gia vào đề án “Chuyển đổi phát triển thanh long bền vững, các - bon thấp tại các vùng sản xuất thanh long trọng điểm đến năm 2030”, trong đó 100% hộ thành viên tại các hợp tác xã chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang đèn LED 9W với số lượng khoảng 80.000 bóng, tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng... Hoạt động này, góp phần trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của nông dân.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này như: Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 53/NQ-CP năm 2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, trong đó nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tạo hấp dẫn để tăng sức đầu tư
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp những năm qua chủ yếu dựa vào việc tăng diện tích canh tác mà chưa phát huy được các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu. Doanh nghiệp chọn cùng lúc nhiều loại vật nuôi, cây trồng dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; đầu tư chế biến và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có định hướng thị trường, phát huy giá trị thương hiệu còn thấp; mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau... là những nguyên nhân cố hữu khiến nông nghiệp Việt chưa thể “cất cánh”.
Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp là vấn đề các địa phương cần chú ý. Trong đó, phát triển nông nghiệp bền vững với sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp, người nông dân.
Cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ cộng đồng doanh nghiệp đến người nông dân. Cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ "tự cung, tự cấp" sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Đây là mối quan hệ tương hỗ, bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải "xin - cho", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Cùng nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác công - tư trong nông nghiệp, ông Binu Jacob, Giám đốc Nestle Việt Nam cho rằng, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm nên hệ thống lương thực thực phẩm cần phải đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp nên ưu tiên trong đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm nguyên liệu đầu vào mới; nghiên cứu công nghệ thay thế dần việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh; sản xuất năng lượng từ phụ phẩm nông nghiệp… Cơ hội trước hết là đang có những nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới và các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ cho giảm phát thải, đại diện Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phân tích.
Tin liên quan
Tin khác

Ngành dệt may khó có thể đi xa nếu mãi “đi làm thuê”

Trưởng dự án Net Zero Vinamilk: Chia sẻ bài học đúc kết từ gần 15 năm “xanh hóa” sản xuất

Hợp tác Việt – Hàn trong lĩnh vực giao thông và đô thị: Cơ hội kết nối từ Hội nghị Giao thương 2025

Nhượng quyền thương hiệu Việt hướng ra toàn cầu

Nghị quyết 68 “định hình lại” năng lực cạnh tranh Việt Nam

Chuyên gia đề xuất ban hành danh mục phân loại xanh

Khoa học dữ liệu - chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa nghề nghiệp thời đại số

Tạo dựng hệ sinh thái thuế minh bạch cho kinh tế tư nhân

Thích ứng với những thách thức: Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam trong quý 1/2025 và chặng đường phía trước
