Doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng trưởng trong bão dịch
Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao TP.HCM (nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin) 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.022,99 triệu USD, tăng 19,31% so với cùng kỳ và đạt 20,11% so với kế hoạch đề ra; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 3.701,15 triệu USD, tăng 24,10% và giá trị nhập khẩu ước đạt 3.580,46 triệu USD, tăng 8,60% so với cùng kỳ.
Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) trong Khu Công nghệ cao TP.HCM ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khu Công nghệ cao tại TP.HCM hiện là điểm đến cho 162 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư tương đương 7,9 tỷ USD, trong đó vốn FDI là 5,9 tỷ USD. Riêng năm 2019 đã đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của thành phố 16 tỷ USD, chiếm hơn 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố và tạo ra 32.000 việc làm lao động chất lượng cao.
Các doanh nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung đang hoạt động hiệu quả trong mùa dịch bệnh |
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, các doanh nghiệp phần mềm vẫn phát triển tốt do môi trường làm việc chủ yếu là trên mạng Internet. Mọi hoạt động trao đổi trực tuyến giữa khách hàng và đối tác trong/ngoài nước đều thông qua các nền tảng trực tuyến. Nhu cầu về các đơn hàng phần mềm từ nước ngoài vẫn rất cao. Tuy vậy, một số mảng nhỏ của ngành công nghệ thông tin bị ảnh hưởng đó là những doanh nghiệp tích hợp hệ thống, do quá trình vận chuyển, giao nhận giữa các nước trong vùng dịch. QTSC hiện có 165 DN với gần 22.000 lao động, doanh thu 2019 đạt 530 triệu USD.
Theo ông Long, hiện nay, các buổi hội thảo, hội nghị do QTSC và các đối tác tổ chức chủ yếu chuyển qua hình thức họp trực tuyến với các công cụ như webinar, livestream. Gần đây, chương trình tư vấn trực tuyến của QTSC về cách phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp cận được hơn 20.000 lượt người; hay Hội thảo Tuyên truyền tư vấn vận động hiến máu tình nguyện năm 2020 và Truyền thông phòng chống dịch Covid-19 đã tiếp cận hơn 4.100 người sau 2 ngày phát động.
Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung đang trở thành một thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa và thu hút được đầu tư trong và ngoài nước, cạnh tranh với các trung tâm phần mềm khác tại khu vực châu Á. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất phần mềm lớn tại QTSC có bước phát triển khả quan, hầu hết các doanh nghiệp đều đang hoạt động ổn định.
Điều này khẳng định lần nữa sự nhanh nhạy của TP.HCM khi đón đầu sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 với các cải tiến liên tục về kết nối số, dữ liệu lớn, AI, internet vạn vật, tạo thời cơ để TP.HCM bắt tay vào xây dựng đô thị thông minh nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh của thành phố. Đây cũng là cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả 7 chương trình đột phá, nhằm giải quyết một cách căn cơ thách thức hiện nay và định hướng cho thành phố phát triển trong tương lai.
Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn, sân chơi lớn cho các doanh nghiệp CNTT, tạo động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, cũng là một “làn gió mới” thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Lãnh đạo TP.HCM khẳng định việc phát triển doanh nghiệp CNTT là cực kỳ có ý nghĩa vì nếu số lượng doanh nghiệp CNTT gia tăng, thu hút số lao động làm việc gấp đôi hiện nay thì sẽ đóng góp được gần 10% GRDP của TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các start-up phát triển, nhất là các doanh nghiệp ngành CNTT, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Cũng khẳng định xu thế phát triển ngành CNTT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, TP.HCM là địa phương duy nhất nghiên cứu sản xuất vi mạch. Sau QTSC, ĐHQG cũng xây dựng Khu Công viên phần mềm của mình. TP.HCM sẽ sử dụng khu đất tại 123 Trương Định, ngay trung tâm Quận 3 để xây dựng khu khởi nghiệp sáng tạo do TP.HCM đầu tư để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, cách đây 20 năm, TP.HCM đã đề xuất Trung ương xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá, lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước. Sau đó, QTSC được hình thành, từng bước phát triển và đây là quyết định rất đúng đắn.
Sở Công thương TP.HCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6,82 tỷ USD, tăng 19,5% (so với cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 9,9%), chiếm tỷ trọng 79,5%. Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,16 tỷ USD, tăng 30,6%). Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho rằng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao do được tận dụng tốt các lợi thế trong thời gian qua, trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm đến 99,3%. Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng khác bắt đầu có dấu hiệu giảm tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị trì trệ do sự bùng phát của dịch Covid-19. |