Doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, vay mới lãi suất thấp
Lãi suất thấp góp phần giữ giá hàng hóa cuối năm Lãi suất thấp đang kích thích người dân vay vốn |
Trước đó, thời điểm cuối tháng 5/2023 số liệu báo cáo thống kê của NHNN thành phố cho thấy số dư nợ được cơ cấu vốn gốc và lãi lũy kế khoảng 10.239 tỷ đồng cho 9.659 khách hàng. Tuy nhiên do thực tiễn khó khăn của sức mua trên thị trường khiến số dư nợ và lượng khách hàng được ngân hàng cơ cấu lại nợ liên tục tăng trong các tháng qua.
Tại Thông tư 02/2023/TT- NHNN có hiệu lực từ 24/4/2023 và áp dụng đến ngày 30/6/2024, NHNN cho phép các TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Ở TP. Hồ Chí Minh, các TCTD đã triển khai cơ chế cơ cấu lại nợ cho khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó nhiều ngân hàng thực hiện qua các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN thành phố và chính quyền địa phương tổ chức. Tại các chương trình này, ngân hàng còn lồng ghép hoạt động cho vay mới, bao gồm các khoản cho vay có hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thống kê của NHNN TP. Hồ Chí Minh cho thấy số dư nợ được cơ cấu vốn gốc và lãi lũy kế khoảng 10.239 tỷ đồng cho 9.659 khách hàng |
Theo số liệu thống kê của NHNN thành phố, đến nay tổng dư nợ cho vay có hỗ trợ lãi suất 2% của các TCTD trên địa bàn thành phố đạt 23.225 tỷ đồng, chiếm 42% so với cả nước. Khách hàng vay vốn ngân hàng được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách theo Nghị định 31 chủ yếu là các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông, lâm nghiệp và thủy sản…
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ vay, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền để tăng trưởng và phát triển. Khách hàng còn được cơ cấu lại nợ tiếp tục vay mới duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thực tế triển khai Thông tư 02 cho thấy việc được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời cho khách hàng vay mới đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một số doanh nghiệp thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nợ. Đại diện một doanh nghiệp ngành tôm cho biết, họ không những được cơ cấu lại nợ mà còn được ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cũ từ đầu năm đến nay từ 10,05%/năm xuống 8,02%/năm. “Khi được ngân hàng đồng ý cho giãn thời gian trả nợ bản thân doanh nghiệp phải xác định thời gian cụ thể, duy trì sản xuất và hàng hóa phải bán được để dù ít dù nhiều trả nợ cho ngân hàng. Doanh nghiệp phải công bằng với ngân hàng quan hệ mới bền”, đại diện một doanh nghiệp trên chia sẻ.