Lãi suất thấp góp phần giữ giá hàng hóa cuối năm
Tận dụng thời cơ, đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi cung ứng Giá hàng hóa nguyên liệu đang trên đà hồi phục? |
Năm nay sức mua chậm lại do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên hầu hết các nhà bán lẻ đều tung khuyến mãi giảm giá hàng hóa từ 10-30%. Đơn cử, như Visan lên kế hoạch chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10-30% đối với mặt hàng thịt heo, thịt gia súc, gia cầm. Đối với các giỏ quà Tết năm nay dự báo giá sẽ giảm khoảng 40% so với mùa tết trước. Chuỗi cửa hàng Organicfood thiết kế giỏ quà tặng nhỏ lại, tập trung vào những món hàng thiết yếu và tiết giảm chi phí đóng gói, vận chuyển phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Các cửa hàng bán thực phẩm, đồ khô ngoại trên đường Hàm Nghi (quận 1) cũng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng siêu cao cấp. Thay vào đó, nhiều đơn vị tăng cường tìm kiếm các sản phẩm nội địa có chất lượng đảm bảo chất lượng để giữ khách phân khúc cao, đồng thời mở rộng bán lẻ các sản phẩm thiết yếu.
Cùng với đó, các nhà bán lẻ đàm phán với đơn vị sản xuất giữ giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng sức mua của người dân. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 nghiêng về những mặt hàng thiết yếu và hạn chế các sản phẩm cao cấp. Theo đó, mỗi nhà bán lẻ nắm bắt nhu cầu tiêu dùng để tìm nguồn hàng và đưa ra phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường. Ông Đức phân tích, thương mại điện tử không làm tăng nguồn cung, chỉ gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng, trong khi đó mức chi tiêu hộ gia đình đã nằm trong tính toán nên người bán hàng phải tăng chất lượng hàng hóa và phục vụ.
Điểm mới của mùa mua sắm cuối năm 2023, còn có sự tham gia của các ngân hàng, các công ty tài chính, ví điện tử hợp tác với nhà bán lẻ hàng hóa. Nhờ đó người tiêu dùng thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản, quét mã QR Code… sẽ được giảm giá, ưu đãi khá lớn. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tích cực tham gia cho vay đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường với lãi suất thấp nhằm góp phần giữ giá thành sản phẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 8, trong 12 doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố, có 11 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vay vốn với lãi suất thấp hơn từ 0,1% đến 4,7% lãi suất thông thường trên thị trường. Theo đó, lãi suất cho vay bình ổn thị trường năm nay dao động ở mức 3,58%/năm đến 11%/năm; lãi suất bình quân trong khoảng từ 4,3%/năm đến 7,6%/năm.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lũy kế doanh số cho vay bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn từ đầu năm 2023 đến tháng 8 đạt trên 10.000 tỷ đồng. Dư nợ bình ổn thị trường đối với cho vay ngắn hạn đến nay còn 5.033 tỷ đồng, dư nợ cho vay trung dài hạn 11,2 tỷ đồng. NHNN TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục cung ứng vốn kịp thời cho các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định giá cả hàng hóa những tháng cuối năm, nhằm phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết Nguyên đán với chi phí hợp lý. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, các ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm cho vay và thanh toán phục vụ doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hóa Tết. Bởi mô hình kinh tế hộ gia đình ở các quận huyện cận trung tâm và ngoại ô hiện nay chiếm một tỷ lệ rất lớn và là lực lượng chính tham gia cung ứng hàng hóa dịch vụ, nhu cầu tài chính rất đa dạng.