Doanh nghiệp FDI vẫn khó tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình tích cực, với khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ước tính, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Đánh giá chung về chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI khẳng định các đối tác Việt đã có nhiều bước tiến đáng kể, không chỉ chất lượng, giá thành sản phẩm phù hợp mà chủng loại cũng đa dạng hơn. Các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ các nhóm ngành điện, điện tử, y tế… cũng đang được nhiều doanh nghiệp Việt đáp ứng tốt.
Ảnh minh họa. |
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, nhu cầu tìm các sản phẩm linh kiện sản xuất trong nước của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài rất lớn. N hiều tập đoàn FDI lớn, quy mô toàn cầu như Samsung Electronics Việt Nam, Techtronic Tools Việt Nam (TTI), Panasonic Việt Nam, BOSCH Việt Nam, Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Platinum… đã đưa ra hơn 700 danh mục chi tiết linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần tìm kiếm nguồn cung nội địa. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Chia sẻ trường hợp của mình, đại diện Tập đoàn TTI cho biết, để đáp ứng sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư cho 3 nhà máy đang hoạt động tại TP.HCM và Đồng Nai, tập đoàn đã xây dựng chiến lược tìm kiếm 200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước từ nay đến năm 2025. Sản phẩm cần cung ứng rất đa dạng, như mô-tơ, ốc vít, bo mạch, công tắc, lò xo, dây nguồn… Đến nay, đã có 80 doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho tập đoàn với khả năng đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, số còn lại doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tương tự, Tập đoàn Samsung đặt mục tiêu có 250 nhà cung ứng cấp 1 về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay mới chỉ có gần 100 doanh nghiệp Việt có thể cung ứng. Trong thời gian qua, Samsung có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đội ngũ nhân lực kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm. Tập đoàn cũng hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc sản xuất linh phụ kiện phục vụ lĩnh vực công nghệ cao, giúp doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Tuy nhiên, nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn mỏng và yếu so với nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp FDI, nhất là trong bối cảnh làn sóng đầu tư của doanh nghiệp ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam.
Thực trạng của doanh nghiệp trong nước là quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn đầu tư còn thiếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn vấp phải nhiều khó khăn như thiếu quỹ đất đầu tư với chính sách ưu đãi hợp lý, thiếu khả năng tiếp cận nguồn vốn…
Nói về quá trình trở thành nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, công ty đã phải đầu tư đổi mới hệ thống quản trị, dây chuyền sản xuất kết hợp nâng cao đội ngũ nhân lực. Cụ thể, để sản xuất và gia công bo mạch điện tử, công ty đã đầu tư các loại trang thiết bị như máy dán linh kiện Panasonic phiên bản Smart Factory với 2 cánh tay robot. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư máy kiểm tra độ dày, lò sấy, máy kiểm tra tính chính xác và tính đầy đủ của tất cả linh kiện trên từng bo mạch…
“Doanh nghiệp phải đầu tư bài bản về công nghệ, nhân sự thì mới có thể tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao mà các chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng và thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… cần”, ông Linh chia sẻ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực gia tăng nội lực cho doanh nghiệp nội. Hiện thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công nghiệp chuyên ngành dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, gia tăng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp mở rộng quy mô nhà xưởng, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật sản xuất.
“TP.HCM đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất”, ông Hoan nói.