Doanh nghiệp gặp khó khi cước vận tải biển tăng cao
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "mất" thêm hàng tỷ USD phí vận tải biển CTCP Vận tải biển Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2024 tăng 61% |
Điều đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng THC. Nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì mức tăng phí THC này cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam. Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá cước vận chuyển hàng container dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao, kèm theo sự thiếu hụt container rỗng cũng sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước tàu, thời gian vận chuyển; tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và các loại phụ phí.
Cụ thể, theo thống kê, giá cước vận chuyển sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873-2.950 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 55-60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100-4.500 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 58-73%).
Riêng giá cước sang châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg (Đức) có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350-4.450 USD trong tháng 1/2024.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã dẫn chứng về trường hợp có doanh nghiệp đã xếp hàng lên tàu từ ngày 20/12/2023 nhưng đến ngày 5/1/2024 thì bị hãng tàu áp dụng phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet. Việc hãng tàu áp dụng phụ phí không báo trước, không trao đổi thỏa thuận làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị động, trong khi ngành hàng gia vị đang có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Châu Âu nên chịu tác động rất lớn. Do đó các bộ, ngành chức năng cần có biện pháp chế tài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với các hãng tàu biển hoạt động tại Việt Nam, tránh tình trạng các hãng tàu tăng phụ thu, phụ phí mà không thông báo trước, không thỏa thuận với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đối với hàng thủy sản đông lạnh, chi phí vận chuyển sang bờ Tây nước Mỹ hiện tăng 70%; sang châu Âu tăng khoảng 3,5 - 4 lần. Canada. Hiện EU và Mỹ cũng là các thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam. Cùng với thiếu kho lạnh (cung không đủ cầu) thì chi phí vận tải biển tăng cao, sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp vận tải biển của nước ngoài cũng khiến cho nhiều ngành hàng của Việt Nam thiếu chủ động cả về phương tiện vận chuyển lẫn chi phí, giá cước. Thêm vào đó, sự suy giảm đơn hàng xuất khẩu cũng đang gây thêm khó khăn cho ngành hàng thủy sản.
Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các nhóm giải pháp như: ổn định giá cước và phí vận chuyển; phân luồng hàng hóa và lựa chọn tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình…
Theo các chuyên gia, trước mắt, để ứng phó với tình hình, doanh nghiệp cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao/nhận hàng. Cùng với đó, cũng cần tính đến việc mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong việc giao/nhận hàng hóa. Nhưng lâu dài, vẫn phải là sự phát triển đồng bộ của ngành logistics với sự chủ động về hệ thống kho lạnh, hệ thống cung ứng container lạnh… Có như vậy mới nâng cao được khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, bởi chi phí hàng qua vận tải biển vẫn có giá cước tốt hơn cả.