Doanh nghiệp hỏi, ngân hàng trả lời
Chia sẻ tối đa khó khăn với doanh nghiệp | |
Quyết liệt đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt khó khăn sau dịch bệnh | |
Nỗ lực kết nối, phủ sóng tài chính vi mô |
Tuần qua, hôm 14/5, NHNN đã phối hợp với UBND Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là hội nghị kết nối đầu tiên của năm 2020 - muộn hơn rất nhiều so với truyền thống tổ chức hội nghị kết nối mà ngành Ngân hàng đã tiến hành hàng chục năm qua.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Trong gần bốn giờ đồng hồ, các câu hỏi, cùng với báo cáo tổng thể từ vụ chức năng của NHNN các đại biểu phần nào hình dung những khó khăn không chỉ của DN mà cả các NHTM trong bối cảnh chúng ta đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Gần 30 câu hỏi từ các DN, đại diện sở, ngành của Hà Nội đặt ra đã được lãnh đạo NHNN chia thành nhóm chính và trả lời ngay tại hội nghị.
Nhìn chung nhiều câu hỏi xoay quanh việc triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên Thông tư 01 được ban hành khá sớm (13/3/2020), khi chúng ta chưa hình dung hết các ảnh hưởng nặng nề và lâu dài của dịch bệnh đến DN và cả nền kinh tế. Do đó mặc dù khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Thông tư 01 rất quyết liệt để hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, song theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong thời gian tới, tùy tình hình thực tế của nền kinh tế, sẽ có nhiều giải pháp được điều chỉnh hợp lý, kể cả thời gian, mức độ. Tuy nhiên sự điều chỉnh chính sách cần hài hòa giữa NHTM và DN, không chỉ lo cho DN mà quên NHTM.
Thực tế, nỗi lo lớn nhất của các NHTM hiện nay là nợ xấu sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Do đó, NHTM hỗ trợ khách hàng không chỉ nhanh mà phải đúng, trúng. Bản thân đại diện của Hiệp hội DNNVV cũng thừa nhận, nếu đánh giá khách hàng để áp dụng chính sách không đúng, các NHTM không chỉ chịu thiệt hại về tài chính mà có thể phải chịu trách nhiệm về pháp lý.
Cũng có một số ý kiến đề nghị ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN, ví dụ giảm đến 50% lãi suất cho vay so với trước dịch. Vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sự hỗ trợ khách hàng (từ giảm phí đến giảm lãi suất cho vay 1% - trên 4% thời gian qua của các NHTM…) không phải từ ngân sách nhà nước, mà hoàn toàn từ nguồn lợi nhuận, chi phí nghiệp vụ của NHTM cắt giảm để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho DN. Đây là tính chất đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng khi bản thân ngân hàng cũng là DN.
Vấn đề khác được nhiều DN quan tâm là liệu tới đây mặt bằng lãi suất mới thấp hơn có được thiết lập? Lãnh đạo NHNN cho biết: Lãi suất là bài toán điều hành khó nhất trong tất cả các bài toán điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù NHNN cũng rất muốn có mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định, giảm dần, nhưng điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một là kiểm soát lạm phát, hai là ổn định giá trị đồng tiền, ba là tỷ giá, bốn là giá cả hàng hóa chung. Nếu mọi thứ ổn định, CPI ổn định... thì mới đưa ra được chính sách lãi suất tổng hợp nhất. Kể từ đầu năm đến nay NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành, là tín hiệu để các NHTM giảm mặt bằng lãi suất…
Nhìn lại những năm gần đây, ngành Ngân hàng đã tổ chức rất nhiều hội nghị, buổi gặp gỡ, đối thoại để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Năm 2016 có 733 cuộc được tổ chức; năm 2017 là 1.070 cuộc; năm 2018 lên đến 1.500 cuộc. Riêng trong năm 2019, NHNN đã tổ chức sáu hội nghị lớn về công tác tín dụng tại ba thành phố lớn và ba khu vực kinh tế trọng điểm (Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng), cùng với 350 cuộc gặp gỡ, đối thoại trên cả nước do NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các TCTD trên địa bàn tổ chức. Năm 2020, sau hội nghị tại Hà Nội, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, buổi gặp gỡ, tiếp xúc khác với DN, các bộ, ngành nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng…
Từ phản ánh của DN và khó khăn phát sinh từ thực tế trong triển khai chính sách của các TCTD, NHNN yêu cầu các đơn vị vụ, cục NHNN tiếp tục rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, DN và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của Covid-19.
Và vấn đề cần lưu ý nhất, như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: Cơ chế chính sách ban hành kịp thời, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện mới là vấn đề quan trọng hơn...