Doanh nghiệp làm giàu bằng chế biến thực phẩm
Ghi nhận tại tất cả các kênh bán hàng từ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), đến hiện đại (trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) hiện nay có thể thấy, các nhóm lương thực, thực phẩm nếu có hàng tươi sống thì sẽ có hàng chế biến (tẩm ướp, khô, đông lạnh, đóng hộp, muối….). Nhất là qua một năm xảy ra dịch bệnh, người dân ở nhà nhiều hơn, thì nhu cầu về thực phẩm chế biến tăng vọt. DN chế biến thực phẩm Việt hiện đã sản xuất chế biến gần như tất cả sản phẩm nông sản, thực phẩm cung cấp cho người dân từ nhóm hàng thiết yếu đến chuyên dụng và cao cấp. Cụ thể, DN chế biến thực phẩm chăn nuôi như sữa, thịt hay các sản phẩm được làm từ sữa và thịt như Vinamilk, Cầu Tre, SaigonFood, Vissan… DN chế biến các sản phẩm trồng trọt như chè, cà phê, đường mía, bia, rượu, nước ngọt (Phúc Long, Trung Nguyên, Thành Thành Công, Bibica, Vinacaphe…), DN chế biến thực phẩm được làm từ thủy, hải sản như tôm, cá, nước mắm (Agrex Sài Gòn, Cholimex, Thanh Hà…).
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, DN ngành chế biến thực phẩm Việt có điều kiện thuận lợi để phát triển bởi có thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước rộng lớn; nguồn nguyên liệu chế biến phong phú từ ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, nguồn lao động trong ngành cũng rất dồi dào cùng trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được tăng cường, cộng thêm các chính sách phát triển đều thuận lợi.
Hiện nay, chế biến lương thực, thực phẩm được xem là ngành trọng điểm, vì đem lại thế mạnh lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điểm mạnh để hỗ trợ DN làm giàu từ chế biến thực phẩm là nguồn nguyên liệu tại chỗ từ ngành chăn nuôi bò, lợn, trâu, gia cầm, cung cấp trứng, thịt, sữa cho lĩnh vực công nghiệp chế biến đồ hộp, thực phẩm. Nguyên liệu từ lĩnh vực trồng trọt như cây công nghiệp lâu năm (tiêu, điều, chè, cà phê, cao su…), cây lương thực (lúa), cây công nghiệp lâu năm (mía, lạc, thuốc lá, đậu tương), rau và cây ăn quả. Nguyên liệu từ thủy sản thuận lợi nhờ vùng biển rộng lớn, có nguồn hải sản phong phú nên phát triển ngành thủy sản cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài.
Một điểm thuận lợi nữa đối với các DN chế biến thực phẩm còn ở nguồn vốn khởi nghiệp không đòi hỏi quá lớn, thời gian quay vòng vốn nhanh chóng. Đi qua gần một năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều ngành sản xuất khác chật vật, riêng DN chế biến thực phẩm và đồ uống vẫn sản xuất ổn định. Bởi thực phẩm chế biến đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng ở thành phố với 35%. Sản phẩm thực phẩm, đồ uống ngày càng phong phú, phương thức kinh doanh đa dạng, trong đó nổi bật là hình thức kinh doanh trực tuyến đang chiếm ưu thế, tạo môi trường kinh doanh sinh động thu hút đa dạng các loại hình DN đầu tư. Những thương hiệu thực phẩm tiêu biểu tại TP.HCM hiện nay được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất là Vissan (thực phẩm tươi sống), mỳ Hảo Hảo - Acecook (thực phẩm ăn liền), Bibica (bánh kẹo)…
Hiện nay vấn đề còn lại của DN chế biến thực phẩm Việt là số DN quy mô lớn của ngành không nhiều, hầu hết là DN, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn chế, nên việc đầu tư về công nghệ, máy móc để mở rộng quy mô còn chậm, thấp. Chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Ngoài ra, mặc dù nước ta có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sản lượng xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước không ổn định cả về chất lượng và số lượng, tình trạng nguyên liệu khi dôi thừa, khi thiếu vẫn còn thường xuyên diễn ra.