Doanh nghiệp lữ hành đang “đứng ngồi không yên”
Lượng khách hủy, hoãn chuyến sẽ tăng
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 10/2, Việt Nam đón được khoảng 9.000 khách quốc tế đi theo chương trình thí điểm, trong đó, khách chủ yếu đến từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan… Trong khi đó, khách du lịch từ Nga nói riêng và Đông Âu nói chung là một trong những dòng khách chủ lực tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Nẵng... trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, những ngày qua, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang, nhiều doanh nghiệp hoạt động lữ hành quốc tế lo ngại số lượng khách Nga và Ukraine hủy, hoãn chuyến du lịch sang Việt Nam tăng cao. Đại diện Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam chia sẻ, Chính phủ đã cho phép du lịch đón khách quốc tế trở lại từ 15/3 tới, doanh nghiệp đang chờ đợi quy định cụ thể để triển khai thì chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Chiến sự kéo dài thì khó khăn chồng chất khó khăn khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm qua vẫn chưa có hồi kết, còn nhiều khó khăn...
Các doanh nghiệp lữ hành đang gặp khó ở thị trường khách quốc tế |
Cùng chung nỗi lo trên, theo đại diện một đơn vị lữ hành tại Khánh Hòa chia sẻ, chiến sự Nga - Ukraine không chỉ khiến nguồn khách trực tiếp từ 2 quốc gia này giảm, mà còn khiến lượng khách từ châu Âu cũng sẽ bị hạn chế hơn. Riêng số khách Nga đến với địa phương này hằng năm đã lên tới 500.000 khách, nhưng đến nay đã giảm rõ rệt so với thời điểm trước chiến sự. Mỗi tháng, đơn vị chỉ còn từ 3-4 chuyến, số lượng khách mỗi chuyến cũng không đủ để doanh nghiệp có lãi. Nếu căng thẳng kéo dài, các chuyến bay buộc phải giảm thêm.
Lý giải nguyên nhân khách hàng từ các quốc gia này có thể hủy, hoãn chuyến, anh Lương Trung Tài – một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, khi đồng Rúp giảm giá, đồng nghĩa với việc chi phí lưu trú, giải trí cũng sẽ tăng cao hơn.
Không những vậy, việc nhiều ngân hàng Nga bị loại trừ khỏi mạng lưới thanh toán SWIFT đã khiến du khách gặp khó khăn khi chuyển khoản; các lệnh cấm vận khác của Mỹ và phương Tây cũng khiến không ít du khách thay đổi kế hoạch bằng việc hủy, hoãn chuyến đi cũng là điều dễ thấy.
Linh hoạt thay đổi thị trường
Tại tọa đàm về mở cửa du lịch diễn ra vừa qua, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, kịch bản trung bình, năm 2022 Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, trong đó có khoảng 6 triệu khách du lịch quốc tế. Tới nay Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đón khoảng 200.000 khách đến Việt Nam, Cục cũng nhận được rất nhiều đề nghị từ quốc tế mở lại đường bay đến Việt Nam ở khu vực miền Trung, đặc biệt từ châu Âu, Nga... Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng nhất là Trung Quốc vẫn bị hạn chế, giờ đến thị trường Nga gặp khó do chiến sự.
Để không chịu quá nhiều tác động khách quan, các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp lữ hành cần linh hoạt thay đổi thị trường để có giải pháp khắc phục khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp cần theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình chiến sự để nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch đưa đón khách đến và đi từ 2 quốc gia này. Đồng thời, tìm đến các thị trường có tiềm năng hơn trong giai đoạn phục hồi du lịch như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa vẫn luôn là thế mạnh của ngành du lịch. Chính vì vậy, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới, có nhiều chính sách kích cầu, thu hút khách du lịch như hỗ trợ giảm giá vé tham quan, tặng thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch; phổ biến, thực hiện các chính sách giảm phí cấp phép, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành… cũng giúp thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững.
Đặc biệt, chia sẻ với báo chí, đại diện các doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định thống nhất để mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại vào ngày 15/3 để có thể lên kế hoạch, xúc tiến việc mở rộng thị trường khách quốc tế, quảng bá tour...