Tham vọng không sát thực tế, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phút chót
Kế hoạch kinh doanh cần sát thực tiễn và hiệu quả để giữ niềm tin lâu dài của cổ đông |
Điều chỉnh trước giờ G
Mới đây, HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa ra nghị quyết điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023. Cụ thể, kế hoạch doanh thu được điều chỉnh giảm gần 12% từ mức 27.527 tỷ đồng xuống mức 24.243 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được được điều chỉnh giảm hơn 21% từ mức 4.264 tỷ đồng xuống còn 3.363 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2022, kế hoạch kinh doanh mới của Tập đoàn Cao su giảm lần lượt 12% về doanh thu và 29% lợi nhuận.
Trước đó không lâu, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, chỉ tiêu tổng doanh thu của doanh nghiệp này giảm 25%, lợi nhuận trước thuế giảm 25% so so với mức kế hoạch cũ. Tương tự Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng hạ 6% mục tiêu doanh thu và 39% mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 so với kế hoạch ban đầu.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh là điều dễ hiểu vì trong bối cảnh hiện nay, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang bị bào mòn, triển vọng hồi phục chỉ ở mức chậm. Nếu giữ nguyên kế hoạch đề ra từ đầu năm thì chặng đường về đích lợi nhuận mà các doanh nghiệp trở nên gian nan, thử thách hơn bao giờ hết.
Giữ niềm tin lâu dài của cổ đông
Tuy nhiên, anh Việt Trung - một nhà đầu tư cổ phiếu lâu năm nhìn nhận, những thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh là tương lai của cổ phiếu, điều chỉnh kế hoạch nghĩa là nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tham vọng, không sát thực tế. Việc này chỉ giảm áp lực cho ban lãnh đạo doanh nghiệp khi tổng kết cuối năm trước cổ đông còn thiệt thòi nhất vẫn là cổ đông, vừa không có lợi gì vừa thêm phần mất mát do giá cổ phiếu giảm.
Nhìn ở hướng tích cực hơn, anh Trung nhận định, việc công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho thấy doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc minh bạch thông tin cũng như cung cấp thông tin trung thực, kịp thời đến nhà đầu tư. Đây cũng được xem là một xác nhận chính thức từ phía doanh nghiệp về tình hình hoạt động. Nhờ đó, các nhà đầu tư mới có cái nhìn chính xác, bám sát được thực tế và có thể dự báo được tình hình tài chính, đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mota Group, chỉ ra 7 sai lầm trong việc lập kế hoạch kinh doanh, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu do trì hoãn lập kế hoạch; không quan tâm đến dòng tiền mà chỉ tập trung vào lỗ hay lãi; tập trung quá nhiều vào ý tưởng có nhiều mục tiêu nhưng đều mơ hồ, không rõ ràng trong khi thứ doanh nghiệp cần phải tập trung là những mốc thời gian cụ thể, một bản ngân sách chi tiết; áp dụng một kế hoạch cho tất cả các chiến dịch...
Một chuyên gia cho rằng, những thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh năm nay, chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh cho năm tới luôn là chất xúc tác thu hút các nhà đầu tư, nhờ đó giá của nhiều cổ phiếu tăng cao. Tuy nhiên, thị trường sẽ “gạn đục, khơi trong” kỹ hơn trong thời gian tới, do đó, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm mới cần được tính toán kỹ lưỡng và bám sát với thực tiễn, tránh làm mất niềm tin lâu dài của cổ đông, chuyên gia này khẳng định.
Để xây dựng một kế hoạch kinh doanh phù hợp, ông Nguyễn Văn Bền cho rằng, chủ doanh nghiệp cần tập trung vào ba yếu tố chính, lần lượt là sự đơn giản; sự chi tiết và kế hoạch khi đã được đưa ra thì cần phải được “hoàn thành”. Bên cạnh đó, theo dõi là một yếu tố chủ chốt. Một kế hoạch kinh doanh tốt cũng không có tác dụng nếu không có người theo dõi và đưa ra các cột mốc cụ thể để đánh giá kết quả thực tế.