Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài hiệu quả
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD trong năm 2022 |
Không ngừng lớn mạnh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tập đoàn quốc tế lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi thế bị động. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chinh phục thị trường nước ngoài là sứ mệnh giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã chủ động mở rộng thị trường đầu tư ra nước ngoài trong vài năm gần đây với nhiều dự án đạt doanh thu hàng tỷ USD và năng lực cạnh tranh quốc tế ngày càng cao. Lũy kế đến 20/05/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là gần 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 52,8% tổng vốn đầu tư của cả nước. Hiện đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 31,5%); quốc gia nhận đầu tư nhiều nhất là Lào (chiếm 24,4%).
Dấu ấn của những dự án “rót” vốn ra nước ngoài của nhà đầu tư Việt nằm ở ngành thông tin - viễn thông. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (VGI) đang có 9 mạng viễn thông tại 9 quốc gia với gần 51 triệu thuê bao. Doanh thu lũy kế cả năm 2022 của doanh nghiệp này đạt 23.630 tỷ đồng - tương đương hơn 1 tỷ USD; tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu lần đầu tiên đạt 46,4%; mức tăng trưởng cao đến từ cả 2 thị trường chủ chốt là châu Phi và Đông Nam Á.
Khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt các phương án hoạt động phù hợp, ổn định và có hiệu quả tại nước sở tại. |
Song song với đó, Tập đoàn FPT (FPT) cũng liên tục mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều quốc gia thông qua các thương vụ M&A. Mới đây nhất, FPT đã công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) - một trong những mảng kinh doanh chiến lược của công ty Intertec International (Mỹ). Cùng với đó, FPT còn đang đầu tư tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Trước đó, FPT đã thực hiện M&A với công ty RWE IT (Slovakia) để mở rộng tệp khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích; hay mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số tại Mỹ.
Đáng chú ý, hồi đầu năm 2023, Tập đoàn Masan đã chi 105 triệu USD để sở hữu 25% vốn của Trust IQ Pte. Ltd. tại Singapore để giúp công ty tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào bán lẻ và tiêu dùng. Trước đó, Masan đã rót 65 triệu USD để nắm 25,1% vốn Trusting Social - công ty con của Trust IQ, hoạt động trong lĩnh vực fintech với công cụ chấm điểm tín dụng, đánh giá năng lực tài chính của người đi vay.
Để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Việt đầu tư ở nước ngoài, trong những năm qua ngành Ngân hàng đã và đang mở rộng thị phần ra thế giới thông qua các ngân hàng con, ngân hàng 100% vốn, chi nhánh và văn phòng đại diện. Hiện có 7 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, SHB, HDBank và Sacombank đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhiệm vụ đầy thách thức
Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, trước hết đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, thể chế chính trị, luật pháp. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý tại một số thị trường, nhiều nơi thậm chí còn bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt khi ra thế giới thường thiếu “bạn đồng hành”. Tại nhiều quốc gia, Việt Nam còn chưa ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần.
Cùng chung nhận định này, nhiều chuyên gia còn phân tích thêm, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phải đối mặt với sự cạnh tranh tại các thị trường mới rất gay gắt. Vậy nên cần phải chuẩn bị tốt các phương án hoạt động phù hợp, ổn định và có hiệu quả tại nước sở tại. Hơn nữa, thị trường nước ngoài, nhất là Mỹ, châu Âu thường yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp, nếu không đủ chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức và khả năng am hiểu địa phương sẽ rất dễ mất khách hàng.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trước hết phải bắt đầu với sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của khách hàng, phù hợp với người dùng nước sở tại; tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án; gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, gắn liền với lợi ích của xã hội sở tại; chú trọng tập huấn, đào tạo lại việc ứng dụng các kỹ năng nghiên cứu thị trường,
marketing, kỹ năng đàm phán quốc tế, nghiệp vụ kỹ thuật ngoại thương, trình độ ngoại ngữ, ứng dụng tin học, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên...