Doanh nghiệp Việt “gánh vác sứ mệnh” chuyển đổi số
Thiết lập nền tảng, dẫn dắt toàn hệ thống chuyển đổi số Chuyển đổi số ngân hàng: Một mũi tên trúng nhiều đích |
Từ chủ trương đến hành động
Để đạt được các mục tiêu nổi bật nêu trên, bên cạnh các vấn đề về thay đổi tư duy, Nghị quyết 52 cũng chủ trương phải hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, đáng chú ý là về chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, Nghị quyết cũng đề cập đến việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.
Để đảm bảo chuyển đổi số chủ động và toàn diện thì ưu tiên lớn nhất là xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới. FPT có thể coi là một điển hình trong số đó. Các sản phẩm, giải pháp của tập đoàn này dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain)… đã và đang giúp nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, mang đến những giá trị cao hơn cho người dùng. |
Từ chủ trương trên, đã có nhiều hành động trên thực tế. “Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách nhanh chóng và sâu rộng. Việt Nam không hề tụt hậu so với thế giới”, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) cho biết và bổ sung thêm rằng: “Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia khi trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.
Với công nghệ AI, hiện hệ sinh thái này của FPT có hơn 20 giải pháp, phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối với khoảng 600 triệu lượt sử dụng/năm. Với công nghệ Cloud, FPT đang cung cấp cho hơn 100 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực.
FPT còn tích cực đồng hành, hỗ trợ các địa phương phát triển toàn diện các giải pháp chuyển đổi số nhằm xây dựng kinh tế số - xã hội số - chính phủ số. Hiện FPT đang có thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số cho hàng chục tỉnh thành trên cả nước về chuyển đổi số như An Giang, Nam Định, Quảng Trị, Hưng Yên… Cùng với đó, FPT cũng đã vươn tầm ra nước ngoài khi có thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với Sierra Leone vào tháng 3/2022.
“Điều FPT tâm huyết nhất là bằng chuyển đổi số, Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, mỗi người dân có một cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh và các doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng chia sẻ.
Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng
“Giá trị cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp là con người”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ kinh nghiệm. “Khi Tập đoàn CMC tập trung cho chuyển đổi số, chúng tôi hiểu rằng chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi con người, tạo ra môi trường thúc đẩy văn hóa số, tư duy số”, ông Chính nói thêm.
Ở Việt Nam, CMC được biết đến như một đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án công nghệ thông tin và viễn thông cấp trung và lớn trong các lĩnh vực: Chính phủ, giáo dục, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm, điện lực, ngân hàng, tài chính và doanh nghiệp. Trải qua 29 năm phát triển, CMC đã và đang trở thành một thương hiệu mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông tại thị trường trong nước cũng như trong khu vực. “CMC tập trung vào công nghệ và dịch vụ, giá trị công ty là con người và năng lực cạnh tranh cốt lõi của công ty chính là dựa trên năng lực con người”, ông Chính chia sẻ.
CMC xác định chiến lược nhân sự tốt nhất là tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho con người sao cho họ có thể sáng tạo những chiến lược tương lai tốt nhất. Vì vậy, CMC coi trọng việc tạo điều kiện cho các cộng sự được rèn luyện và học tập từ chuyên gia và chính những đồng nghiệp của mình. Dù họ lựa chọn theo đuổi công việc quản lý hay tập trung phát triển chuyên môn, CMC đều sẽ đem đến cho họ những cơ hội tốt để thăng tiến.
“Chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm để đưa con tàu CMC tăng tốc vươn ra biển lớn trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu tỷ USD vào năm 2025, quy mô nhân sự của tập đoàn cần đạt 10.000 người. Chính vì vậy, nhân sự có vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy Tập đoàn đạt được mục tiêu, tham vọng đã đề ra”, ông Chính cho biết.
An toàn bảo mật phải đặt lên hàng đầu
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đem đến một số rủi ro nhất định. Đặc biệt là thời gian gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ việc liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin đối với các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tài chính và cả các doanh nghiệp, cá nhân. Trước sự tấn công mạng ở Việt Nam ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, tội phạm mạng thường sử dụng nhiều loại mã độc cải tiến, tập trung nhằm vào dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Là nhà phân phối hàng đầu khu vực APAC về các giải pháp bảo mật mạng và an toàn thông tin, là đối tác tin cậy của hơn 60 hãng bảo mật quốc tế, Netpoleon Việt Nam tham gia hỗ trợ các khách hàng về công nghệ thông tin trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, các cơ quan nhà nước, trường học bệnh viện, các tập đoàn sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên 11 quốc gia: Australia, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
“Với sự phát triển nhảy vọt của công nghệ thông tin như hiện nay, dữ liệu của các đơn vị và cá nhân đã được mã hóa các tầng bảo vệ và lưu trữ trên điện toán đám mây thì công tác bảo mật đã được nâng lên một tầm cao mới. Điều này cũng tạo ra bài toán hóc búa cho các công ty công nghệ trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng”, ông Nguyễn Kỳ Văn, Giám đốc Netpoleon Việt Nam cho biết và chia sẻ thêm: “Trước đây chúng ta chỉ tăng cường tính bảo mật của hệ thống - luôn mang tính bị động để phòng chống Hacker xâm nhập, thì hiện tại chúng tôi đang xây dựng giải pháp tìm kiếm và phát hiện nguy cơ xâm nhập. Đây có thể nói là chúng ta hoàn toàn chủ động để ngăn chặn nguy cơ từ khi chưa xảy ra xâm nhập”.
Bước sang năm mới 2024, mặc dù nền kinh tế dự kiến vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng, rủi ro luôn song hành cùng cơ hội, mà chuyển đổi số nhanh chóng chính là một trong các cơ hội đó. “Thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam đủ rộng cho tất cả, từ các doanh nghiệp công nghệ lớn cho đến nhỏ và cả các startup. Bởi chuyển đổi số là một bài toán lớn, từ phần mềm cho tới phần cứng, hạ tầng, bảo mật và các dịch vụ đi kèm nên rất khó để một bên nào cung cấp toàn bộ... Tuy nhiên, hiện khoảng cách giữa doanh nghiệp công nghệ lớn và doanh nghiệp mới gia nhập thị trường còn khá xa. Vì vậy, doanh nghiệp lớn cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ đi cùng nhằm chinh phục thị trường chuyển đổi số trong nước và có thể là cả tiến ra thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.