Doanh nghiệp với dự cảm kinh doanh 2024: Chủ động rẽ sóng vươn khơi
Doanh nghiệp Việt “gánh vác sứ mệnh” chuyển đổi số [Infographic] Đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2024 |
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist
2024 sẽ là năm sôi động của các hoạt động du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Y Yên |
Năm 2024, dự báo ngành du lịch thế giới và Việt Nam sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn theo tình hình chung. Tuy nhiên với những thành quả, tín hiệu tốt đẹp của năm 2023 và sự chuẩn bị, thích ứng linh hoạt, đề cao đổi mới sáng tạo, công ty vẫn tin tưởng rằng đây sẽ là một năm sôi động của các hoạt động du lịch Việt Nam.
Lữ hành Saigontourist cũng xác định rõ những chiến lược phù hợp cho 3 mảng kinh doanh: du lịch nội địa, du lịch nước ngoài và du lịch quốc tế; tiếp tục đầu tư, xây dựng những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đa dạng và chất lượng, đẩy mạnh khai thác du lịch MICE bên cạnh khách du lịch thuần túy.
Năm 2024 cũng sẽ là năm tiếp tục phát triển trọng điểm, đẩy mạnh khai thác du lịch quốc tế của Việt Nam. Đối với Lữ hành Saigontourist, chúng tôi sẽ duy trì đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ đường hàng không, đường biển, đường sông, đường bộ, đặc biệt là du lịch tàu biển.
Bên cạnh khách du lịch thuần túy đa quốc tịch, khách hàng cao cấp, Lữ hành Saigontourist tiếp tục tập trung khai thác nguồn khách MICE quốc tế vào mùa cao điểm du lịch quốc tế 2024, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các cơ quan du lịch tại nhiều quốc gia nhằm mang đến cho du khách quốc tế cơ hội khám phá nhiều điểm đến mới tại Việt Nam hơn nữa.
Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, công ty chú trọng đầu tư đổi mới chuyển đổi số hóa trong quy trình kinh doanh và quản trị nhân sự giúp khách hàng trên toàn cầu có thể dễ dàng tra cứu thông tin điểm đến, đặt tour du lịch trọn gói hoặc các dịch vụ và thanh toán một cách an toàn, nhanh chóng, tiện lợi với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, hiện đại.
Với những chiến lược trọng điểm trên, Lữ hành Saigontourist tiếp tục đầu tư, vận dụng những lợi thế về nguồn nhân lực chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm, đồng thời nắm bắt xu hướng du lịch, tâm lý khách hàng và mạng lưới đối tác cung ứng dịch vụ chất lượng rộng khắp Việt Nam và trên thế giới để mang đến cho khách hàng những hành trình chất lượng, ý nghĩa và độc đáo.
Ông Đinh Văn Hiến - Chủ tịch Tập đoàn DKNEC Corporation
Nỗ lực tạo nên hệ sinh thái kinh tế xanh
Ông Đinh Văn Hiến |
Dưới sự thay đổi của kinh tế vĩ mô, chắc chắn các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi để thích ứng.
Ví như việc Việt Nam nâng tầm quan hệ với Mỹ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ dẫn tới những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu thông qua thuế xuất nhập khẩu, quota... Khi thuế xuất nhập khẩu thay đổi sẽ tác động lên giá thành sản xuất. Doanh nghiệp hoặc sẽ có lợi thế cạnh tranh hoặc đứng trước nguy cơ đe dọa bởi các đối thủ nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải trang bị kiến thức và văn hóa tiếp biến, đồng thời chuẩn bị tâm lực để bắt kịp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn để phát triển kinh tế chia sẻ ra với thị trường toàn cầu.
Song song với đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cùng đội ngũ quản lý cấp trung cần tập trung học nhanh tất cả các kiến thức quản trị, quản lý và trau dồi các kỹ năng điều hành và quản trị toàn diện công ty thật tốt, từ đó giúp doanh nghiệp có thể bảo toàn lực lượng, chuẩn bị thời cơ và chớp thời cơ thuận lợi để vượt qua khó khăn lũy kế sang năm 2024 để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai. Vì trong lúc khủng khoảng kinh tế, đầu tư cho kiến thức và tích tụ tri thức là rẻ nhất và khôn ngoan nhất.
Với riêng DKNEC chúng tôi, là một tập đoàn trên 23 năm hoạt động, dù có khá nhiều kinh nghiệm trên thương trường, song trước những biến động khó lường, chúng tôi cũng đang cố gắng để chủ động thích ứng vượt qua khó khăn, thách thức. Trên cương vị Chủ tịch tập đoàn, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm và loại hình kinh doanh mới, nỗ lực tạo nên hệ sinh thái kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế năng lượng và kinh tế chia sẻ cho từng lĩnh vực hoạt động.
Ví dụ, đối với lĩnh vực kinh tế năng lượng, chúng tôi sẽ chủ yếu đầu tư vào năng lượng xanh và tái tạo thông qua năng lượng mặt trời và gió. Với 5 dự án solar rooftop tại 2 nhà máy bia Sài Gòn - Đồng Tháp và Sài Gòn - Bình Dương của công ty đã hòa lưới thành công cuối năm 2020, dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục cung cấp điện bình quân mỗi tháng từ 600-750 MWh.
Hay liên quan đến phát triển kinh tế xanh, tôi đã thành lập Lộc Hoàng An Group gồm: Sâm Lộc Hoàng An phục vụ sức khỏe thể chất; Lộc Hoàng An Hòn Mê - khu resort nghỉ dưỡng phục vụ đời sống tinh thần cho cộng đồng; Lộc Hoàng An Sông Hồng - không gian khởi nghiệp sáng tạo; Lộc Hoàng An Digital Way - công ty truyền thông số. Chúng tôi sẽ có những gói lựa chọn đầu tư khác nhau để phù hợp và tối ưu hóa lợi điểm.
Và một mảng chủ đạo nữa sẽ được chú trọng đầu tư trong năm 2024 của tập đoàn là kinh tế tuần hoàn. Dự kiến, thông qua Hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp toàn diện DMEs, DKNEC sẽ tư vấn, triển khai cho các doanh nghiệp một cách toàn diện theo một chu trình hoạt động khép kín, tránh lãng phí. Đồng thời, DKNEC sẽ tiếp tục đầu tư, cho ra các sản phẩm số hóa và chuyển đổi số phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đặng Quốc Viên - Giám đốc CTCP Thương mại và Đầu tư IKIGAI
Chú trọng xây dựng mối quan hệ “cộng sinh”
Ông Đặng Quốc Viên |
Rất khó có kỳ vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế nửa đầu năm 2024, khi mà cuối năm 2023 kinh tế toàn cầu vẫn khá ảm đạm do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của các NHTW, hay căng thẳng địa chính trị tại Nga - Ukraine, Israel - Palestine.
Dù vậy, “đường dài mới biết ngựa hay”, cuộc chơi càng khó thì đòi hỏi người chơi phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và tìm cách chiến thắng trong cuộc chơi. Bởi suy cho cùng, tất cả khó khăn cũng chỉ là thử thách.
Doanh nghiệp, doanh nhân trong thời đại VUCA: Volatility (Biến động) - Uncertainty (Không chắc chắn) - Complexity (Phức tạp) - Ambiguity (Mơ hồ) thì càng phải bản lĩnh và không ngừng nâng cấp bản thân để có thể đủ sức vươn mình vượt bão.
Đối với Công ty cổ phần TM&ĐT IKIGAI - một trong những đơn vị xuất khẩu trà xanh và trà đen hàng đầu tại khu vực Miền Trung với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm đến các thị trường như Đài Loan, Ấn Độ, Trung Đông, Trung Á… thì 2023 là một năm vô cùng thách thức khi sản lượng xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng. Toàn ngành trà Việt Nam giảm tới hơn 30% sản lượng và tới 15% về giá trị xuất khẩu trong năm 2023 so với năm 2022.
Đứng trước khó khăn đó, để chủ động “biến nguy thành cơ”, năm 2024, IKIGAI sẽ tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng khai thác thị trường Nga và Trung Quốc - những nơi có thể thanh toán dễ dàng bằng đồng rupe và đồng nhân dân tệ, thông qua một loạt chiến dịch marketing bài bản. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng kênh cộng tác viên bán hàng trong nước và cộng tác viên bán hàng tại chính những nước nhập khẩu để tìm kiếm thêm những khách hàng mới một cách hiệu quả với chi phí thấp.
Ngoài ra, đội ngũ IKIGAI còn chú trọng xây dựng mối quan hệ “cộng sinh” với rất nhiều nhà máy khác trên khắp cả nước để đa dạng nguồn hàng hóa, chia sẻ cơ hội và lợi ích để vượt khó, phát triển bền vững cùng nhau.
Năm 2024, mục tiêu đầu tiên của chúng tôi đặt ra là hồi phục sản lượng trà xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024 và tiến tới mức tăng trưởng 150% ở quý III và quý IV/2024.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang)
Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi
Ông Nguyễn Văn Đôn |
Thời gian qua, giá gạo liên tục biến động theo chiều hướng tăng đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh thuận lợi. Nguyên nhân do Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, liên tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với mặt hàng gạo. Động thái này đã siết chặt thêm nguồn cung lương thực vì Ấn Độ chiếm tới 40% thị phần gạo toàn cầu trước đó.
Những nước có chính sách tích trữ gạo tốt như Trung Quốc thì thời điểm giá cao vẫn “án binh bất động” dù còn nhu cầu. Đối với những nước dự trữ yếu thì mức giá nào cũng phải mua để phục vụ nhu cầu trong nước. Chính vì thế, thời gian qua, các doanh nghiệp chủ yếu xuất gạo sang thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.
Sang năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao vì Ấn Độ “mập mờ” khó bù đắp sản lượng từ quốc gia này. Trong khi đó, chất lượng cũng như giống gạo của Việt Nam đã được thế giới công nhận và ưa chuộng. Thời gian qua, các địa phương duy trì sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt để gia tăng giá trị. Thậm chí, nhiều địa phương đã thực hiện các nội dung của đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó nâng cao chất lượng gạo, giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra những sản phẩm phù hợp tiêu chí sản xuất xanh, tiêu dùng xanh bền vững trên toàn cầu.
Tuy nhiên, thách thức lớn của năm 2024 sắp tới là không tiên đoán trước được giá cả vì thị trường còn lệ thuộc nhiều vấn đề. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cần tập trung cắt bớt các khâu trung gian để giảm giá bán, tập trung công tác khuyến nông để giúp người nông dân sản xuất một cách bền vững, hiệu quả. Hơn thế, doanh nghiệp cần cân nhắc khi mua gạo vào cũng như bán gạo ra. Nếu tiếp tục ký bán mà không có hàng trong kho thì rất có thể sẽ gặp khó khăn vì không biết khi nào Ấn Độ sẽ cởi bỏ chính sách của mình.
Ông Trần Xuân Ngọc - Tổng Giám đốc Nam Long Group
Hướng tầm nhìn trở thành tập đoàn bất động sản tích hợp
Ông Trần Xuân Ngọc |
Trong năm 2023, nhìn chung thị trường còn nhiều khó khăn, biến động. Tuy nhiên, sở hữu nhà vẫn là nhu cầu thiết yếu, chính vì vậy Nam Long tập trung vào các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của người dân .
Hàng loạt giải pháp thiết thực đã được tập đoàn triển khai như: Tái cơ cấu sản phẩm bám sát nhu cầu thị trường, cân nhắc chi phí để tối ưu giá bán, gia tăng tiện ích tại các khu đô thị, mở rộng hợp tác cùng các đối tác từ nhà thầu - ngân hàng - đại lý chiến lược phân phối sản phẩm - nhà cung cấp nội thất để đồng hành toàn diện cùng người mua nhà từ khi tìm hiểu sản phẩm đến khi về an cư lâu dài tại các khu đô thị của Nam Long.
Hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn bất động sản tích hợp, trong kế hoạch trung và dài hạn, Nam Long sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực và quỹ đất dành cho sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu ở thực, kiến tạo các khu đô thị “sống” và đáng sống tại các địa phương đang trên đà phát triển để thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người Việt.
Chiến lược của Nam Long chính là đồng hành với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Để làm được điều này, công ty đã đưa ra chiến lược “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại” để hiện thực hóa hoạt động kinh doanh, chính là làm sao phải nỗ lực đưa được sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng, trong từng phân khúc cung cấp ra thị trường đều được đón nhận và người mua có khả năng sở hữu được trong tầm tay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cải thiện cách tiếp cận, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hướng đến nhu cầu ở thật của người mua nhà. Quan trọng hơn cả, muốn tồn tại với thị trường, doanh nghiệp bất động sản phải biết chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Hay nói cách khác, đó chính là chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, xây dựng chính sách xoay quanh người mua mà ở đó doanh nghiệp bất động sản với vai trò cầu nối, phối hợp với các bên liên quan từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp, phân phối… cùng nhau gắn kết hướng đến xây dựng một thị trường ổn định, bền vững trong tương lai.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean
Nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao
Ông Phạm Văn Việt |
Để nâng cao năng suất, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thiết kế sản phẩm đảm bảo giá thành thấp. Nếu không đầu tư cho công nghệ cao, có khả năng trong 3 năm nữa ngành dệt may sẽ không thể cạnh tranh được với các nước như Bangladesh, Ấn Độ và cả Trung Quốc. Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí nhân công, hạ được giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may cũng phải tự tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phải sớm chuyển đổi phương thức sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng)… Làm như vậy, doanh nghiệp Việt mới tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, doanh nghiệp dệt may phải chú trọng thay đổi lĩnh vực logistics, thay đổi cách thức bán hàng, đặt hàng online bán qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…
Trong năm tới, ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…
Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng phải hướng đến phát triển bền vững gắn với “xanh số hóa trách nhiệm xã hội”. Chính vì vậy, một trong những chìa khóa để thay đổi, tái định vị ngành dệt may Việt Nam, không gì khác là ứng dụng chuyển đổi số, có chiến lược rõ ràng cũng như chuyển đổi trong kinh doanh sản xuất theo những lộ trình chuẩn hóa của thế giới.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước
Giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động
Ông Trần Văn Lĩnh |
Bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức như vừa qua đã kéo doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi các chi phí phát sinh. Điều này dẫn đến dòng tiền xoay vòng chậm, doanh số sụt giảm, lợi nhuận giảm theo. Cùng với đó là chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn, thị trường xuất khẩu tại nhiều khu vực như EU, Châu Mỹ… cũng bị ảnh hưởng. Những yếu tố tiêu cực đó đặt ra những thách thức cần doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua.
Trong điều kiện như vậy, ngành Ngân hàng đã triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản được xem cứu cánh cho các doanh nghiệp. Nguồn vốn này, tuy triển khai hơi chậm, song đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh... Riêng CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, kết thúc năm 2023, với việc hoàn thành những đơn hàng cho khách hàng tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… doanh nghiệp đạt trên 107% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Bước sang năm 2024, mục tiêu của doanh nghiệp là giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động, doanh nghiệp cố gắng Tết này có thưởng cho công nhân, sao cho nghỉ Tết xong, người lao động vẫn quay lại với công ty làm việc.