Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và Sở Xây dựng TP.HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức mới đây, ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai (Quận 11, TP. HCM) cho biết, doanh nghiệp đầu tư mua 01 mảnh đất mặt tiền đường Nguyễn Thị Thập (Quận 7) rộng 500m2, nguồn gốc trong khu dân cư, hiện hữu tại quận 7 từ năm 1990, đến nay đã là 32 năm. Do có nhu cầu mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, tháng 1/2017 Công ty Thép Khương Mai đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng trên 40 tỷ đồng, để đấu giá mua lại mảnh đất rộng hơn 1.800m2 liền kề, ngay phía sau mảnh đất 500m2 mà doanh nghiệp đang sở hữu và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sau này tiến tới sáp nhập toàn bộ khu đất liền thổ.
![]() |
Đến tháng 10/2020, thành phố đã chấp thuận cho mảnh đất đấu giá của Công ty Khương Mai được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị. Tuy nhiên, từ đó đến nay mặc dù đã nhiều lần cầm hồ sơ giấy tờ tới Phòng Tài nguyên Môi trường quận 7 để làm thủ tục đóng thuế chuyển đổi, song công ty vẫn không thể thực hiện được mục đích mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh trên chính tài sản đất đai hợp pháp đã mua. Đó là chưa kể theo tính toán của doanh nghiệp, số tiền phải đóng lãi cho ngân hàng trong 5, 6 năm qua đã lên đến con số 14 - 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn là tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng khi hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng… Như vậy, rõ ràng những thiệt hại về thời gian, tiền bạc không chỉ doanh nghiệp phải gánh chịu mà còn kéo theo thất thu cho ngân sách nhà nước.
Cũng nêu lên những vướng mắc từ thủ tục hành chính, quy định luật pháp gây khó khăn thiệt hại cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tùng - đại diện CTCP Xây dựng Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - Conic chia sẻ, Công ty đầu tư xây dựng chung cư thương mại Conic Garden 17 tầng tại đường Nguyễn Văn Linh, huyện Nhà Bè. Tuy nhiên đến nay sau hơn 14 năm hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng, song 21 căn hộ tại tầng trệt chung cư vẫn hoàn toàn chưa được cấp giấy chứng nhận do tầng trệt có sử dụng vào mục đích thương mại, kinh doanh; cho dù toàn bộ các căn hộ khác đã được cấp sổ hồng riêng.
“Theo bản vẽ thiết kế 1/500 toàn bộ 21 căn hộ đảm bảo theo đúng thiết kế ban đầu ngay khi xin cấp phép xây dựng bao gồm tầng trệt phục vụ mục đích thương mại dịch vụ, tầng lửng để ở đã được phê duyệt. Song không hiểu vì lý do gì cho đến nay mặc dù chủ đầu tư đã tìm hiểu và xin cơ quan chức năng nhanh chóng xác nhận quyền lợi chính đáng cho cư dân, song vẫn chỉ nhận được câu trả lời do không đúng quy định nên chưa thể cấp phép”, ông Tùng cho biết thêm.
Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thông tin, mới đây nhất HoREA đã gửi tới UBND TP.HCM và Sở Xây dựng văn bản số 40/2022 báo cáo bổ sung lần thứ 3 kiến nghị của 10 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị ách tắc bởi các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, cũng như các quy định luật pháp liên quan.
Trước đó, HoREA cũng đã có văn bản số 14 tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp và văn bản số 25 nêu các kiến nghị của 29 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 38 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư”. Như vậy, qua 3 báo cáo trên đã có tổng cộng 113 dự án trên địa bàn TP.HCM đang phải “trùm mền, đắp chiếu” bởi rất nhiều khó khăn, ách tắc.
“Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng rất mong mỏi Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, đề xuất giải pháp để trình lên UBND thành phố, kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những ách tắc của doanh nghiệp, giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đúng hướng”, ông Châu đề nghị.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thông tin Tư vấn Kinh tế Thương mại Việt Nam cho rằng, có những vấn đề liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… đến nay vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi như quy định về hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu kiến trúc, cấp phép xây dựng… Vì vậy các cơ quan quản lý, sở ban ngành thực hiện theo đúng quy định luật pháp, song khi thực thi cần dựa trên căn cứ và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp theo quy định, điều luật nào để doanh nghiệp áp dụng triển khai chứ không thể để mỗi doanh nghiệp hiểu một kiểu, mỗi địa phương quận huyện áp dụng theo những quy định khác nhau. Quan trọng hơn hết để thu hút đầu tư thì trước tiên phải tạo ra môi trường minh bạch, bình đẳng.
Trả lời những vướng mắc doanh nghiệp nêu lên, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, Sở Xây dựng luôn lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng sẽ được tập hợp, chuyển xuống các phòng ban chuyên môn để cử cán bộ, thanh tra xuống địa bàn, quận huyện tìm hiểu giải quyết trên cơ sở thực tiễn. Vấn đề nào có thể phối kết hợp được với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc… sẽ tìm phương án tham mưu, trình lên UBND thành phố, trình Trung ương để nhanh chóng giải quyết vướng mắc, tồn tại, tạo ra môi trường lành mạnh, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Chỉ thị số 23 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhận định tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố là phức tạp, dẫn chứng cụ thể mỗi năm đã phát hiện và xử lý như sau: năm 2017 là 2.856 công trình, năm 2018 là 2.419 công trình và tính đến hết 6/2020 là 6.825 vụ vi phạm. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm tăng nguồn cung về nhà ở hợp pháp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, góp phần ngăn chặn đầu nậu, phân lô bán nền, rà soát, thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm về trật tự xây dựng… |
Thanh Tuyết
Nguồn: