Giá trị nhân văn từ tín dụng ưu đãi đặc biệt
Đồng vốn nghĩa tình nơi miền đất võ | |
Tín dụng chính sách giúp giảm hộ nghèo | |
Công cụ hữu hiệu để giảm nghèo |
Khi vốn đến đúng đối tượng
Từng được nghe tới nhiều chương trình tín dụng mà NHCSXH TP. Đà Nẵng triển khai như cho vay hộ đặc biệt hộ nghèo, hộ di dời giải tỏa của thành phố, cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đô thị… nhưng khi tận mắt chứng kiến mới càng thấy được sự hiệu quả và giá trị nhân văn của đồng vốn này.
Điểm đầu tiên chúng tôi được chứng kiến là cơ sở may gia công quần áo tại tổ 24, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Bà Trần Thị Ánh Phượng, chủ của cơ sở may này trước đây vừa sản xuất nông nghiệp và làm thêm nghề may tại gia đình, ai thuê may gì thì làm nấy. Tuy nhiên, khi thành phố được mở rộng, những mảnh đất, mảnh vườn để hàng ngày sản xuất nông nghiệp của gia đình bà Phượng đã được nhường lại cho những công trình, khu đô thị mới khang trang. Chuyển đến nơi tái định cư, bà Phượng cũng được thành phố tạo điều kiện để mở mang sản xuất kinh doanh tại nhà, trong đó có nguồn vốn của chương trình vay dành cho hộ di dời giải tỏa mà NHCSXH TP. Đà Nẵng triển khai. Có vốn vay bà Phượng đầu tư mua máy móc để may gia công quần áo cho các công ty, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên. Bà Phượng còn được bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Tổ TK&VV của bà hiện có 36 hộ thành viên, dư nợ ở NHCSXH là 1,1 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Tổ của bà Phượng cũng “nổi tiếng” khi mỗi tổ viên tham gia gửi tiết kiệm người nghèo tới 500 nghìn đồng/tháng với mong muốn tạo nguồn vốn cho nhiều hộ khó khăn được vay.
Bà Trần Thị Ánh Phượng vay vốn hộ di dời giải tỏa mở cơ sở may giải quyết việc làm cho 8 lao động |
Cũng ở phường Hòa Xuân, hộ ông Nguyễn Thành Lâm từng được vay 30 triệu đồng chương trình hộ di dời giải tỏa hồi năm 2017 để trồng hoa, cây cảnh. Ông Lâm tâm sự: Sau khi thuộc diện di dời giải tỏa, lúc đầu ông trồng hoa ở bãi đất gần nhà sau thấy hiệu quả, UBND phường đã cho mượn những lô đất công chưa sử dụng để giúp người dân trồng rau và hoa màu. Phường cũng đã tổ chức nhiều lớp hướng dẫn trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm để nhiều hộ trồng hoa như ông Lâm có thêm kiến thức, chăm sóc hoa hiệu quả hơn.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, ông Lâm đã bán ra thị trường khoảng 2.000 chậu hoa phục vụ người dân chơi tết với những loại hoa thược dược, hướng dương, cúc vạn thọ thu lãi hàng chục triệu đồng. Ông nhẩm tính, năm 2019 thu lãi từ trồng hoa khoảng 160 triệu đồng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở góc khác của quận Cẩm Lệ, hộ bà Trần Thị Kim Quy, tổ 25, phường Hòa Thọ Đông lại được hưởng thụ vốn ưu đãi để “an cư lạc nghiệp”. Gặp chúng tôi, bà không giấu nổi niềm vui khi 2 mẹ con chính thức đón Tết Canh Tý trong ngôi nhà mới 2 tầng khang trang, xây dựng trên diện tích đất 60m2. Càng ý nghĩa hơn là ngôi nhà này được xây dựng từ vốn vay của NHCSXH TP. Đà Nẵng.
“Tổng chi phí xây dựng hết 670 triệu đồng thì tôi vay 300 triệu đồng của NHCSXH chương trình hộ thu nhấp thấp đô thị, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 10 năm”, bà Quy tâm sự.
Qua câu chuyện với bà Quy chúng tôi được biết, trước đây khi con trai học đại học cũng được vay vốn chương trình tín dụng học sinh – sinh viên của NHCSXH. Hiện nay con trai bà Quy đã tốt nghiệp đại học đi làm cho công ty du lịch với thu nhập 9 triệu đồng/tháng để hỗ trợ cùng mẹ trang trải cuộc sống và xây được nhà.
Cùng vì mục tiêu “4 an” của thành phố
Có thể nói những đồng vốn của NHCSXH đã tạo thêm động lực cho những người có hoàn cảnh khó khăn và như ông Đoàn Ngọc Chung – Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng chia sẻ thì thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội) mà NHCSXH đã góp sức một phần vào các mục tiêu này. Cũng theo ông Chung, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, nhất là ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa chính trị của kênh tín dụng ưu đãi; về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Và cũng nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ nên NHCSXH đã được ủy thác nhiều hơn chương trình tín dụng ưu đãi. Đơn cử như UBND thành phố Đà Nẵng đã bàn giao Quỹ hỗ trợ cho vay hoàn lương sang NHCSXH quản lý với 293 trường hợp, dư nợ hơn 775 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thành Lâm chia sẻ bí quyết chăm sóc hoa cúc với cán bộ NHCSXH quận Cẩm Lệ |
Chúng tôi đến thăm gia đình ông N.Đ.Q, một người có tiền án vì bán số đề ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Vừa nói chuyện, vợ chồng ông N.Đ.Q vừa luôn tay bốc dỡ phế liệu từ chuyến xe mới về. Ông Q cho biết sau khi ra tù, năm 2017 ông vay 30 triệu đồng, được hỗ trợ 100% tiền lãi trong thời gian được vay vốn để trở lại làm nghề thu mua phế liệu. Ông không tính được thu nhập cụ thể bao nhiêu nhưng sau khi trừ chi phí nuôi con ăn học mỗi tháng ông dư 3-4 triệu đồng để dành. Đến nay vốn vay ông Q đã trả gần hết và ông sẽ làm thủ tục đề nghị tiếp tục được vay vì muốn mở rộng thu mua phế liệu rất cần thêm vốn.
Triển khai tốt Chỉ thị số 40, đến hết năm 2019, thành phố ủy thác cho NHCSXH 882 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn chính sách ở Đà Nẵng là 2.402 tỷ đồng với 67.311 hộ vay còn dư nợ. UBND thành phố cũng đã dành một khoản 3% trích từ kinh phí thu lãi để hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hộ nghèo và các đối tượng tín dụng chính sách. Chia sẻ về bí quyết triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 ông Đoàn Ngọc Chung nhấn mạnh: Nơi nào thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng thì nơi đó có chất lượng tín dụng, quy mô tín dụng được nâng cao, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận tín dụng chính sách nhiều, góp phần nâng cao đời sống, ổn định trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.