Du lịch miền Trung: Từng bước mở cửa đón khách
“Hành trình Xanh”- Tín hiệu vui từ TP. Hồ Chí Minh | |
Du lịch Quảng Ninh sẵn sàng tái xuất với diện mạo mới hấp dẫn hơn | |
Phục hồi du lịch bằng sản phẩm “xanh” |
Sẵn sàng đón khách quốc tế
Ngay từ giữa tháng 4/2021, khi chưa bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 4, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế khảo sát thực tế sân bay Chu Lai, các khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An, để xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế bằng các chuyến bay thuê bao (charter) đến Quảng Nam. Qua khảo sát, địa phương được đánh giá là đáp ứng tốt các điều kiện về hạ tầng giao thông, y tế, cơ sở dịch vụ du lịch, yêu cầu quản lý khách, không gian an toàn cho cộng đồng dân cư... để triển khai đón khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã chuẩn bị kỹ các phương án, điều kiện và luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách quốc tế bằng các chuyến bay charter đến Quảng Nam du lịch theo mô hình "hộ chiếu vắc-xin".
Năm 2021, tờ DailyMail của Anh công bố thông tin Cầu Vàng Đà Nẵng là 1 trong 10 kỳ quan mới của thế giới, xuất sắc đứng ở vị trí dẫn đầu của cuộc bình chọn |
Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa đã sớm có chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc-xin" bằng các chuyến bay charter. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh này cho biết, về cơ bản đã xây dựng xong phương án thí điểm, trong đó sẽ triển khai theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là "người Khánh Hòa du lịch Khánh Hòa", tiếp đó là du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin với giấy chứng nhận âm tính đi kèm trong vòng 72 giờ. Bước tiếp theo, đón du khách quốc tế có "hộ chiếu vắc-xin" bằng các chuyến bay charter. Tỉnh sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển... như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort ở Bắc bán đảo Cam Ranh. Đây là cụm du lịch, nghỉ dưỡng nằm cách xa khu dân cư, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, dễ dàng kiểm soát, bảo đảm an toàn cho du khách.
Với Đà Nẵng, dù không nằm trong kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhưng lãnh đạo thành phố này vẫn rất mong được thực hiện đón du khách bằng "hộ chiếu vắc-xin" để giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Thành phố đang nghiên cứu đề xuất thực hiện đón khách quốc tế thông qua "hộ chiếu vắc-xin". Theo đó, khi thực hiện phải đặt an toàn cho du khách và điểm đến lên hàng đầu. Trước tiên là thực hiện tiêm vắc-xin cho người lao động phục vụ du lịch, người dân và khẳng định địa phương là điểm đến an toàn. Đà Nẵng đang hướng tới đón khách ở thị trường an toàn như châu Âu.
Mới đây, ngành du lịch 4 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình cùng gần 60 doanh nghiệp du lịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với lữ hành Pháp. Hội nghị có sự tham gia hơn 20 công ty lữ hành, sự kiện, truyền thông của Pháp. Tại hội nghị, đại diện 4 địa phương đã giới thiệu khái quát về điểm đến, quảng bá thông điệp “Miền Trung Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện” và các gói sản phẩm đã chuẩn bị sẵn dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam; đồng thời cập nhật thông tin tới các doanh nghiệp Pháp về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Hiện nay, Pháp được đánh giá là thị trường tiềm năng của du lịch miền Trung. Lượng khách du lịch từ Pháp đến khu vực này tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, đặc biệt khi đường bay Đà Nẵng - Doha do Hãng hàng không Qatar Airways đưa vào khai thác với tần suất 4 chuyến/1 tuần. Trong năm 2019, tổng lượt khách Pháp đến 4 địa phương đạt trên 210 nghìn lượt khách, tỷ lệ khách lưu trú tăng hơn 45%. Các doanh nghiệp lữ hành của Pháp cũng bày tỏ sự quan tâm đến thời điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam và việc nối lại các đường bay trực tiếp giữa 2 nước trong thời gian tới.
Nỗ lực phục hồi du lịch nội địa
“Riêng Đà Lạt, chúng tôi chú trọng thu hút khách nội địa hơn là quốc tế”- bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết. Bên cạnh việc tích cực quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng là "điểm đến an toàn, hấp dẫn", ngành du lịch địa phương chú trọng tuyên truyền, thông tin kịp thời về điểm đến an toàn cho du khách; tiếp tục có giải pháp phòng chống dịch hiệu quả để thu hút du khách từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ liên kết thành chuỗi dịch vụ khép kín với nhiều gói chương trình kích cầu giá ưu đãi, linh hoạt, phù hợp nhiều đối tượng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Triển khai chương trình kích cầu du lịch để phục hồi du lịch địa phương sau dịch như tổ chức các sự kiện giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Lâm Đồng 2022.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước mắt, tỉnh mở cửa trở lại đối với các thị trường nội tỉnh, nội địa, vùng không có dịch hoặc khách đến từ vùng có dịch nhưng không nằm trong diện phải cách ly 21 ngày và đã được tiêm vaccine. Từ ngày 1/10/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cửa trở lại phục vụ du khách tại một số điểm di tích như Đại Nội, các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định. Đây được xem là bước thăm dò nhằm dần khôi phục ngành du lịch địa phương sau thời gian dài chịu tác động bởi dịch Covid-19. Du khách sẽ chỉ được tham quan khu vực ngoài trời, không vào bên trong nội thất các cung điện. Để đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch, du khách phải thực hiện tốt thông điệp “5K”, quét mã QR thẻ kiểm soát dịch bệnh trước khi vào tham quan; riêng khách ngoại tỉnh phải hoàn tất việc thực hiện giám sát y tế theo quy định.
Hội An lọt top 15 thành phố du lịch hàng đầu châu Á giải “The World’s Best Awards 2021" dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới do Tạp chí Travel+Leisure vừa công bố bình chọn |
Cũng từ ngày 1/10/2021, Quảng Bình cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vaccine, tham gia các tour khép kín. Cụ thể, khách đã tiêm 2 mũi được cấp thẻ xanh, khách mới tiêm 1 mũi được cấp thẻ vàng, yêu cầu kèm test nhanh hoặc RT-PCR âm tính. Những du khách này sẽ lưu trú và tham gia các tour khép kín, không tự do hoạt động bên ngoài. Để tạo tâm lý an toàn cho du khách, nhân viên tiếp xúc với khách cũng phải có thẻ xanh. Người lao động ở các bộ phận còn lại phải có thẻ xanh hoặc vàng. Tất cả sẽ được xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần. Người chưa tiêm vắc-xin chỉ được làm trực tuyến. Dựa theo đề xuất của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án mở cửa từng bước, từng sản phẩm du lịch nhằm đảm bảo du lịch xanh, du lịch an toàn đối với du khách. Đồng thời, sẽ tạo “hành lang xanh” giữa Quảng Bình và các điểm du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Dự kiến du lịch Bình Thuận sẽ thực hiện thí điểm mở cửa đón khách bắt đầu từ ngày 20/10 với khách sạn , dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận. Địa bàn thực hiện thí điểm chủ yếu tập trung tại khu vực Phan Thiết, riêng các huyện, thị xã tùy theo điều kiện thực tế địa phương có thể xem xét việc mở cửa thí điểm... Quan điểm của ngành du lịch địa phương là vừa khôi phục, kích thích du lịch vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động du lịch triển khai trên cơ sở bám sát tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương.
Thận trọng hơn, cùng với việc lên phương án mở cửa du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng đang tiến hành khảo sát trực tuyến dành cho du khách nội địa từ ngày 19/9 đến 21/10/2021 trên Cổng thông tin du lịch thành phố (Danangfantasticity.com) nhằm nắm bắt tổng quan về tình hình thị trường, nhu cầu du lịch, hành vi và xu hướng của du khách sau Covid-19 nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm du lịch của khách hàng... Thành phố đang tích cực xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc mở cửa lại các hoạt động du lịch, dịch vụ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã có đề xuất với Chính phủ về việc liên kết với một số địa phương thực hiện chương trình “bong bóng du lịch”.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)