Phục hồi du lịch bằng sản phẩm “xanh”
Duy trì nhân lực cho ngành du lịch | |
TP. Hồ Chí Minh: Khôi phục du lịch với tour Cần Giờ | |
Sa Pa mùa thu “bỏ bùa” du khách |
Xu hướng du lịch mới sau dịch
Những khó khăn chưa từng có đã khiến ngành “công nghiệp không khói” ở trong tình trạng kiệt quệ. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, gần như đóng cửa 100%.
Ở thời điểm hiện tại, khi nhiều địa phương đang bắt đầu mở cửa du lịch, sẵn sàng đón du khách quay trở lại, cũng là lúc các doanh nghiệp cần mau chóng đón đầu những xu hướng du lịch mới để từng bước “phá băng” du lịch.
Xu hướng du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên sẽ được yêu thích sau dịch |
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội Đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chỉ ra các xu hướng chính đối với khách du lịch Việt Nam sau dịch. Đầu tiên, đó là “du lịch trả thù” khi người dân đã phải ở nhà một thời gian dài sau nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Theo một khảo sát của TAB mới đây, số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay rất cao. Cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường trong thời gian tới.
Xu hướng thứ hai đó là du lịch an toàn và có cân nhắc về tài chính. Theo đó, yếu tố an toàn dịch bệnh được đặt lên hàng đầu trong mọi quyết định đi du lịch của người dân. Đòi hỏi các doanh nghiệp cần gắn chặt tiêu chí này khi thiết kế các sản phẩm.
Xu hướng du lịch biển, du lịch thiên nhiên cũng được nhiều người quan tâm. Cùng với đó là xu hướng đi nhóm nhỏ, hộ gia đình và các tour ngắn ngày. Việc ưu tiên đặt dịch vụ trực tuyến thay vì đặt trực tiếp tại công ty du lịch cũng được nhận định sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới.
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Bảo Hiếu - CEO Ana Marina cho rằng du lịch bền vững, có trách nhiệm, gần gũi với thiên nhiên sẽ được chú trọng. Xu hướng áp dụng công nghệ mới như Blockchain, AI… để tạo những điểm đến thông minh, tăng sự trải nghiệm của du khách trong chuyến đi - điều mà trước kia xa lạ với nhiều doanh nghiệp cũng sẽ dần trở nên phổ biến. Nhu cầu làm việc online sẽ tạo ra trào lưu vừa đi du lịch vừa làm việc. Đòi hỏi doanh nghiệp phải có những bước tiếp cận nhanh chóng để nắm bắt cơ hội sau dịch.
Các chuyên gia cũng cùng chung nhận định, thị trường nội địa sẽ là điểm tựa cho ngành du lịch trong thời gian tới khi khách quốc tế chưa quay trở lại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch nội địa chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Việc khảo sát sở thích của khách du lịch nội địa để thiết kế sản phẩm phù hợp chưa được chú trọng, hầu hết các doanh nghiệp trước nay đều hướng tới phát triển thị trường du lịch quốc tế.
Trong khi đó, đại dịch đã cho thấy chính thị trường nội địa lại là “cứu cánh” cho nhiều ngành nghề, trong đó có du lịch. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần những chiến dịch bài bản, kết hợp cùng địa phương, các hiệp hội để phát triển du lịch nội địa xứng với tiềm năng.
Du lịch hướng tới sản phẩm “xanh”
Xây dựng kịch bản hồi phục trong trạng thái đã kiệt quệ, các chuyên gia nhấn mạnh công ty du lịch phải xác định một chiến lược đúng và trúng khi trở lại. Theo ông Hoàng Nhân Chính, doanh nghiệp phải tạo ra cơ sở du lịch an toàn, phát triển các kênh tiếp nhận ý kiến của du khách ở mọi mặt trận như đường dây nóng, mạng xã hội… để kịp thời giải đáp thắc mắc, bởi lẽ, để phục hồi được du lịch thì trước hết phải tạo ra lòng tin lẫn nhau, nhất là lòng tin giữa khách du lịch và cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.
Đại diện của TAB cũng thông tin kết quả khảo sát cho thấy, các chính sách linh hoạt như cho phép hoãn, đổi tour… từ doanh nghiệp du lịch được khách hàng quan tâm cao hơn cả các ưu đãi, giảm giá tour. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc điều này trong kế hoạch kích cầu của mình.
Về nhân lực du lịch, cần giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, chính đội ngũ này sẽ có vai trò đào tạo nhân viên mới khi doanh nghiệp du lịch phục hồi về sau. Trong trường hợp doanh nghiệp không còn doanh thu thì có thể tạo việc làm cho người lao động ở ngành nghề khác, để sẵn sàng quay trở lại khi cần. Công tác phát triển kỹ năng làm việc nhóm và an toàn của đội ngũ nhân viên, chú trọng việc tiêm vaccine cho nhân viên cũng cần được quan tâm. Bởi lẽ, điều này vừa đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên, vừa tạo ra lòng tin của khách hàng với doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh online là điều tất yếu mà mọi doanh nghiệp du lịch cần hướng tới, khi khách hàng đã có mong muốn được làm việc một cách trực tuyến.
Về sản phẩm du lịch, cần thực hiện khảo sát hành vi tiêu dùng của khách hàng, thông qua đó doanh nghiệp có thể đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm thích hợp. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp với chính quyền, cộng đồng địa phương, thu hút lực lượng này tham gia vào quá trình tham vấn giai đoạn phục hồi khác nhau.
Về phía doanh nghiệp du lịch, theo ông Phan Xuân Thanh - Tổng giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, kịch bản hồi phục du lịch sau dịch có thể chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn hiện tại, cần gắn chặt du lịch với tiêu chí an toàn dựa trên các yếu tố “xanh” như từ “doanh nghiệp xanh” - lực lượng lao động của doanh nghiệp đã được tiêm 2 mũi vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn, “dịch vụ xanh” - nhà hàng, khách sạn đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn phòng chống dịch, “điểm đến xanh”… từ đó tạo thành một “luồng xanh” để đón khách.
Ở giai đoạn sau khi du lịch đã từng bước phục hồi, trong dài hạn cần hướng tới xây dựng những sản phẩm “xanh”, tạo giá trị bền vững. Đơn cử như Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã lập thành các nhóm doanh nghiệp để đưa giá trị của nền kinh tế tuần hoàn vào ngành du lịch như các “khách sạn không rác thải”, “nhà hàng không rác thải”… Hay tận dụng các mô hình nông nghiệp sạch của địa phương để phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp.
Đồng quan điểm, CEO của Ana Marina cũng cho rằng, Covid-19 là một khoảng lặng, sau đây những hình thái du lịch mới sẽ xuất hiện. Xu hướng du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường sẽ là tất yếu trong thời gian tới và là điều mà mọi doanh nghiệp cần chú trọng khi thiết kế các sản phẩm du lịch.