Du lịch TP. Hồ Chí Minh khởi động lại
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, tại TP. Hồ Chí Minh có đến 90% doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa đã ngưng hoạt động. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn và doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải hoạt động cầm chừng. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch của thành phố như, cơ sở lưu trú giảm 58,29%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%...
Sau ba tuần dịch bệnh lắng xuống, ngành du lịch thành phố bắt đầu đánh giá lại những tổn thất và triển khai các chương trình hoạt động tích cực, nhằm phục hồi lại ngành du lịch. Việc trước tiên mà Sở Du lịch thành phố triển khai là truyền thông rộng rãi Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố (do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh ban hành) đối với 3 lĩnh vực hoạt động du lịch tại TP. Hồ Chí Minh là cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan du lịch. Các tiêu chí này sẽ dùng làm căn cứ để đánh giá doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động hay không. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đang chuẩn bị Cẩm nang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của thành phố tiếp cận với các văn bản pháp quy, quy định, hướng dẫn liên quan đến việc nhận nguồn hỗ trợ của Chính phủ, nhằm khắc phục các hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hiện nay, gần như 100% tour tuyến du lịch đến tất cả các địa danh nổi tiếng trong nước đều thực hiện giảm giá |
Đối với hoạt động du lịch lữ hành, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trên cơ sở thẩm định và xác định doanh nghiệp du lịch đủ điều kiện hoạt động, Sở bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển phong phú sản phẩm mới và nâng chất lượng sản phẩm du lịch hiện tại.
Cụ thể, đó là các chương trình như đẩy mạnh du lịch y tế, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ. Loại hình này vốn phát triển rất mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút khách đến từ các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào và số đông Việt kiều do chất lượng dịch vụ y tế tốt và chi phí rẻ hơn nhiều nước. Tiếp theo là đẩy mạnh các tour du lịch đường thủy, di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật, tour kết hợp với nhà vườn, nông trại và ẩm thực…
Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy, từ nay đến hết năm 2020, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh chưa thể khôi phục lại hoàn toàn như trước khi xảy ra dịch bệnh. Nguyên nhân là do các gia đình khác đang phải cân nhắc ưu tiên trong chi tiêu, tiết kiệm lại các khoản chi chưa cần thiết như du lịch. Trong bối cảnh đó, du lịch nước ngoài nếu có, cũng chỉ là một vài thị trường gần khu vực Đông Nam Á dịp cuối năm, nhưng hiện các doanh nghiệp lữ hành cũng chưa thấy dấu hiệu khả quan, do tâm lý ngại rủi ro dịch bệnh của người dân.
Trước mắt, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện Cẩm nang Pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp du lịch với phiên bản Ebook, để gửi đến các doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hoạch định phương hướng kinh doanh, từng bước ổn định và phát triển nhưng vẫn luôn đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động. Trong lúc này, hàng loạt doanh nghiệp du lịch lớn của thành phố như Saigontourist, Vietravel, Bến Thành Tourist, Fiditourist, Hòa Bình… đã hoàn tất các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa. Hiện nay, gần như 100% tour tuyến du lịch đến tất cả các địa danh nổi tiếng trong nước đều thực hiện giảm giá tour, với nhiều hình thức như giảm giá trực tiếp khi khách đặt mua tour, tặng kèm giảm giá dịch vụ phòng, phương tiện đi lại nơi đến… Tất cả các tour tuyến được thực hiện trên tinh thần không chủ quan với dịch bệnh, an toàn sức khỏe cho du khách đi tour.