Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tìm điểm cân bằng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Sau khi tiếp thu các góp ý và chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bản mới nhất tiếp tục được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo tổ chức ngày 23/2 tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng phiên bản này vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, khái niệm chưa rõ ràng; nếu áp dụng có thể làm tăng chi phí tuân thủ cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp lo phát sinh thêm thủ tục, gánh nặng tuân thủ
Một trong những quy định gây nhiều băn khoăn nhất là Điều 48.1.c: “Bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan”.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam cho biết, quy định yêu cầu bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật, nhưng không quy định bảo đảm như thế nào, và xác định tiêu chí thế nào là bảo đảm. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử hiểu quy định này theo hướng: doanh nghiệp phải có hệ thống hạ tầng cung cấp thông tin riêng chạy song song với hệ thống hiện hành, và khi được yêu cầu kết nối thì tiến hành kết nối. Còn khi cơ quan quản lý không yêu cầu kết nối thì vẫn phải chạy hệ thống chờ sẵn ở đó.
Ngoài ra, quy định này cũng không làm rõ được nội dung là phạm vi cung cấp thông tin như thế nào, và cơ quan giám sát, tổ chức kết nối là cơ quan nhà nước nào?. Các chủ thể là các sàn thương mại điện tử bày tỏ lo ngại bí mật kinh doanh, thông tin khách hàng sẽ bị lộ nếu buộc phải chia sẻ dữ liệu.
Ảnh minh họa |
Bà Đặng Thị Thuỳ Trang, đại diện của Grab Việt Nam cũng lo ngại rằng quy định này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chi phí vận hành, chi phí tài chính; trong khi chưa rõ về tính khả thi và hiệu quả trong thực thi. Bên cạnh đó, bà Trang nêu thực tế là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuyên biên giới không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, không chịu ràng buộc bởi quy định này. Như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về chi phí vận hành hoạt động. Kéo theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam mà chọn phương án cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Bà Nguyễn Thư, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đặt vấn đề về quy định công nhận chữ ký điện tử (Điều 28 dự thảo Luật). Trên thực tế, doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, dịch vụ… đã triển khai sử dụng chữ ký điện tử quốc tế trên các nền tảng được chấp nhận bởi châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên với quy định của Điều 28, doanh nghiệp hiểu rằng kể cả trường hợp sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trên các nền tảng đã được nước ngoài công nhận, thì khi áp dụng ở Việt Nam vẫn cần qua một bước công nhận của tổ chức tại Việt Nam.
Đối với một số ngành đặc thù như ngân hàng, hiện nay hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đã khá hoàn thiện và chịu sự điều chỉnh theo các quy định của NHNN. Vì vậy, một số quy định ràng buộc đối với ngân hàng sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống, cũng như gây ra tình trạng chồng chéo quy định. Đại diện của Ngân hàng Standard Chartered nêu dẫn chứng cụ thể từ quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu tại Điều 14.1. Theo vị này, các loại văn bản, giấy tờ trong hoạt động tài chính, ngân hàng rất đa dạng. Sẽ có trường hợp văn bản, hoá đơn, chứng từ, yêu cầu xin vay, lệnh chuyển tiền… do khách hàng hoặc bên thứ 3 phát hành, vô hình trung không thể chuyển đổi sang thông điệp dữ liệu, từ đó gây trở ngại rất lớn tới việc chuyển đổi và hồ sơ hóa dữ liệu.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu văn bản sau khi chuyển sang thông điệp dữ liệu cũng cần có chữ ký điện tử như văn bản gốc cũng là chưa phù hợp trong trường hợp ngân hàng chỉ số hoá dữ liệu để lưu trữ và sử dụng nội bộ. “Quy định này chỉ phù hợp khi tổ chức số hoá dữ liệu cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì họ cần ký tên, thể hiện trách nhiệm, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu”, đại diện Standard Chartered nêu quan điểm.
Cơ quan quản lý muốn số hóa hoạt động giám sát
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ, thế khó của cơ quan soạn thảo do đây là luật điều chỉnh một lĩnh vực rất mới, nhiều khái niệm khó có thể “Việt hoá” hoàn toàn. Ông Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo đã tham khảo những đạo luật tương tự được ban hành trong thời gian gần đây, như hai đạo luật của châu Âu về trách nhiệm của các nền tảng số trung gian, luật của Thái Lan, Singapore, Indonesia… về các hoạt động giao dịch trên môi trường điện tử.
Ông Dũng lưu ý, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rằng luật này điều chỉnh các giao dịch thực hiện trên môi trường điện tử, vì vậy cần tự phân định hoạt động, văn bản nào thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. “Rất nhiều hoạt động chúng ta làm trên không gian mạng nhưng không phải giao dịch, vì vậy không thuộc điều chỉnh của luật này”, ông Dũng nói.
Giải thích về quy định kết nối, giám sát các hệ thống thông tin, trách nhiệm của các bên chủ quản hệ thống thông tin, ông Dũng khẳng định cơ quan quản lý không yêu cầu kết nối để thâm nhập vào hệ thống của doanh nghiệp và lấy dữ liệu. Quy định này được hiểu là: theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về những thông tin gì, nếu trước đây thực hiện bằng giấy thì khi áp dụng luật sẽ làm trực tuyến toàn bộ. “Ví dụ trước đây chúng tôi quản lý thuê bao và doanh nghiệp phải gửi báo cáo bằng giấy, nó làm phát sinh chi phí, rồi đến lúc thanh tra kiểm tra thì số liệu báo cáo có vấn đề. Thì tới đây thay vì hình thức báo cáo bằng giấy phải sang báo cáo bằng hệ thống thông tin kết nối với nhau, và pháp luật chuyên ngành quy định báo cáo cái gì thì khi kết nối sẽ báo cáo cái đó”, ông Dũng làm rõ thêm.
Đối với quy định về chữ ký điện tử dùng riêng, ông Dũng cho hay, với các văn bản, tài liệu lưu hành trong nội bộ, doanh nghiệp tuỳ ý sử dụng chữ ký để thuận tiện cho hoạt động của mình. Tuy nhiên đối với các văn bản lưu hành bên ngoài, để đảm bảo tính pháp lý khi xảy ra tranh chấp thì phải đăng ký. Ví dụ một doanh nghiệp ký hợp đồng điện tử với người lao động, sử dụng chữ ký số dùng riêng. Khi tranh chấp, nếu họ dùng chữ ký không đảm bảo về an toàn pháp lý thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vì vậy chữ ký này phải được đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
“Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang hoạt động trong kỷ nguyên 4.0, thì phải áp dụng các biện pháp 4.0. Doanh nghiệp sử dụng dữ liệu hệ thống thông tin rất nhiều tác vụ thì cơ quan quản lý cũng phải chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước từ môi trường thực sang số, và hoạt động giám sát cũng phải chuyển đổi tương đương”, ông Dũng nhấn mạnh.