Fed có thể giảm lãi suất vào tháng 9
Lạm phát dịu đi, tạo cơ hội cho Fed giảm lãi suất Chủ tịch Fed: Không đợi lạm phát chạm mức 2% mới cắt giảm lãi suất Fed tiến gần hơn đến lần giảm lãi suất đầu tiên |
Lạm phát hạ nhiệt, tiêu dùng yếu
Báo cáo vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tuần trước cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,1% trong tháng 6 sau khi không tăng trong tháng 5, mức tăng khá nhẹ. Còn so với cùng kỳ năm trước, PCE chỉ tăng 2,5% trong tháng 6, giảm so với mức tăng 2,6% của tháng 5 và là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong 4 tháng gần đây.
Nếu không tính thực phẩm và năng lượng, PCE cơ bản tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước, cũng chỉ cao hơn một chút so với mức tăng của tháng 5. Còn so với cùng kỳ năm trước, PCE cơ bản tăng 2,6% trong tháng 6, ngang bằng với mức tăng của tháng 5. Lạm phát cơ bản đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,3% trong 3 tháng tính đến tháng 6, chậm lại đáng kể so với tốc độ 2,7% của tháng 5.
PCE là thước đo lạm phát ưa thích được Fed theo dõi sát để phục vụ cho chính sách tiền tệ. “Các chỉ số lạm phát được cải thiện đáng kể cho thấy sự bùng phát lạm phát trong quý đầu tiên chỉ là tạm thời”, Kathy Bostjancic - Nhà kinh tế trưởng tại Nationwide cho biết.
Báo cáo của Bộ Thương mại cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Mỹ, cũng chỉ tăng 0,3% vào tháng trước sau khi tăng 0,4% vào tháng 5.
Trong khi đó, thị trường lao động cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng trong những tháng gần đây và tăng trưởng việc làm đã chậm lại. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của các hộ gia đình và từ đó là chi tiêu tiêu dùng. Theo các chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng thu nhập đang chậm lại cùng với thị trường lao động nới lỏng, chi tiêu của người tiêu dùng có khả năng vẫn ở mức vừa phải.
Theo đó, thu nhập cá nhân chỉ tăng 0,2% vào tháng 6 sau khi tăng 0,4% vào tháng 5. Thu nhập mà hộ gia đình có thể chi tiêu sau khi điều chỉnh theo lạm phát và thuế cũng chỉ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 6 sau khi tăng 0,3% vào tháng 5. Tiền lương tăng 0,3% sau khi tăng tới 0,6% vào tháng 5. Tỷ lệ tiết kiệm vì thế đã giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 |
Cơ hội giảm lãi suất
Tất cả những dữ liệu trên cho thấy, nhu cầu trong nền kinh tế đã hạ nhiệt trước sự thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của Fed. Tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 2,1% trong nửa đầu năm nay so với 4,2% trong nửa cuối năm 2023. Lạm phát giảm, tiêu dùng yếu và thị trường lao động hạ nhiệt đã khiến thị trường tài chính dự đoán sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng sẽ bắt đầu từ tháng 9.
Lý do là các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nói rằng họ muốn tự tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi họ cắt giảm lãi suất. Mặc dù dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát đang tiến gần hơn tới mục tiêu 2%, nhưng theo các chuyên gia chừng đó vẫn chưa đủ để Fed tự tin cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 30-31/7 tới.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, tại cuộc họp chính sách tháng 7 Fed có thể sẽ phát đi tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
“Với những diễn biến gần đây của thị trường lao động, Fed hiện có khả năng sẽ sử dụng cuộc họp vào tuần tới để chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, Olu Sonola – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Fitch Ratings cho biết. “Câu hỏi chính hiện tại là liệu động lực tích cực mà chúng ta đã thấy trong ba tháng qua có bị phá vỡ khi bước vào cuộc họp vào tháng 9 hay không”.
"Theo quan điểm của Fed, xét về tổng thể, chúng tôi cho rằng dữ liệu cho thấy đủ tiến triển - về cả lạm phát và điều kiện thị trường lao động - để các nhà hoạch định chính sách mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tại cuộc họp FOMC vào tuần tới", Rubeela Farooqi - Nhà kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ của High Frequency Economics cho biết.