Fed 'đau đầu' với rủi ro kép từ lạm phát cao và tăng trưởng thấp
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) |
Các quan chức Fed có khả năng sẽ khẳng định một lần nữa sau cuộc họp kéo dài hai ngày rằng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và kế hoạch đảo chiều chính sách của họ vẫn đang trên lộ trình phù hợp. Nhưng rủi ro kép từ việc tăng trưởng chậm lại và giá cả cao hơn có thể khiến "tương lai màu hồng" từng được vẽ nên tại cuộc họp vào tháng Sáu của Fed dường như không được đảm bảo.
Tranh luận về cách định hình chính sách tiền tệ hậu đại dịch chỉ mới bắt đầu và các quyết sách mới được dự đoán sẽ không được đưa ra trước mùa thu tới.
Nhưng kể từ cuộc họp cách đây sáu tuần của Fed đến nay, khả năng diễn ra các cuộc thảo luận thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương đã trở nên mờ mịt hơn bởi số ca lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta được xác nhận mỗi ngày tăng gấp bốn lần, gần bằng với mức ghi nhận trong đợt bùng phát dịch vào mùa hè năm ngoái.
Ngay cả khi diễn biến tồi tệ nhất của dịch bệnh còn đang tập trung ở các cộng đồng ít người được tiêm chủng hơn, các nhà kinh tế nhận thấy nó có khả năng thay đổi mức độ sẵn sàng chi tiêu và đi du lịch của người tiêu dùng nói chung, và đang phát đi "mệnh lệnh" yêu cầu Fed phải cân bằng giữa việc giữ niềm tin vào sự phục hồi kinh tế trong khi cũng cần phải cân nhắc việc thu hẹp chương trình mua tài sản.
Cho đến nay, rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn phản ánh chủ yếu qua dữ liệu về du lịch hàng không và lượng khách ghé nhà hàng, nhưng gần đây các dữ liệu này cho thấy tiêu dùng vẫn đang trong xu hướng phục hồi.
Tuyên bố chính sách mới của Fed sẽ được ban hành lúc 2 giờ chiều ngày thứ Tư theo giờ Mỹ (1 giờ sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam), sau đó sẽ là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Trong suốt 18 tháng qua và đến tận thời điểm này, chúng tôi vẫn thấy yếu tố quyết định số đối với các hoạt động kinh tế là tình hình dịch bệnh", Karen Dynan, giáo sư kinh tế Đại học Harvard và cũng là cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ trong tương lai, nhưng tiến độ đó sẽ chậm lại so với dự tính".
Những kết quả đạt được kể từ cuộc họp gần đây nhất của Fed đã "củng cố khả năng không cắt giảm sớm các chính sách hỗ trợ của ngân hàng trung ương", do sự không chắc chắn về triển vọng phục hồi và lạm phát tháng Sáu cao hơn dự kiến, chuyên gia kinh tế David Mericle của Goldman Sachs viết.
Fed vẫn đang tiếp tục mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và giữ lãi suất chính sách gần bằng 0 - các biện pháp đã bắt đầu được triển khai vào mùa xuân năm 2020 - để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Một số quan chức Fed cảm thấy đã đến lúc phải "đảo chiều" các chính sách đó vì tốc độ tăng giá cao đột biến gần đây. Giao dịch trên thị trường trái phiếu trong những tuần gần đây cũng cho thấy các nhà đầu tư tăng đặt cược Fed có thể phải đẩy nhanh việc rút dần các chương trình hỗ trợ vì khủng hoảng.
Tuy nhiên trên thực tế, có một danh sách dài các vấn đề mới phát sinh kể từ cuộc họp tháng Sáu, khi Fed bày tỏ tin tưởng rằng đại dịch đang dần biến mất và rằng “tiến bộ về tiêm chủng có thể sẽ tiếp tục giúp giảm tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lên nền kinh tế".
Tuy nhiên, sự gia tăng của các ca lây nhiễm COVID-19 gần đây, nếu còn tiếp tục, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi vốn còn mong manh.
Fed vẫn hy vọng nền kinh tế có thể lấy lại 6,8 triệu việc làm đã mất kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng điều đó phụ thuộc vào các khía cạnh khác của quá trình phục hồi tiếp tục diễn ra - đặc biệt là việc mở cửa trở lại hoàn toàn các trường công vào mùa thu. Điều đó được dự đoán sẽ giúp các bậc cha mẹ rảnh rỗi quay trở lại công việc, nhưng quá trình này có thể bị lùi lại nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe gia tăng.
Trong khi đó, sự chậm lại trong phục hồi kinh tế và tuyển dụng lao động sẽ diễn ra ngay khi chi tiêu liên bang kết thúc - một "vùng trũng tài khóa" được dự đoán sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế hàng năm, từ tốc độ cao trong năm nay vào khoảng 7%.
Lạm phát gia tăng đang là trọng tâm chú ý của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang trong những tuần gần đây, gây chia rẽ trong các thành viên ngân hàng trung ương với một phía là những người lo ngại nó tăng quá nhanh, và số khác cho rằng nền kinh tế cần thêm nhiều thời gian để lấy lại tăng trưởng và việc làm trước khi có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách tiền tệ.
Powell đã được đặt câu hỏi về vấn đề này trong các phiên điều trần gần đây trên Đồi Capitol, khi nó cũng đang được theo dõi sát sao bởi Nhà Trắng, với cả các quan chức Fed và chính quyền Biden cho biết họ vẫn tin rằng việc tăng giá hiện tại chủ yếu là kết quả của một nền kinh tế mở cửa trở lại và sẽ tự giảm bớt.
Có thể có lý do mới để nghi ngờ quan điểm trên, sau một loạt sự kiện như lũ lụt ở Đức và Trung Quốc một lần nữa làm tắc nghẽn dòng chảy nguyên vật liệu đầu vào sản xuất trên khắp thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng mà các quan chức Fed và Nhà Trắng đang muốn giải quyết để giúp giảm bớt áp lực giá cả.
“Các vấn đề về phía cung rõ ràng sẽ chưa thể kết thúc”, các nhà kinh tế của Citi viết trong một bản tin hôm thứ Sáu. "Chi phí đầu vào và thời gian chờ đợi giao hàng có khả năng tiếp tục xuất hiện trong dư liệu lạm phát tiêu dùng nhiều tháng tới".
Từ một thách thức vào tháng Sáu, lạm phát liệu có quá cao, Fed hiện đối mặt rủi ro kép, William English, cựu giám đốc chính sách tiền tệ của Fed và cũng là giáo sư của Trường Quản lý Yale nói, với khả năng lạm phát tiếp tục gia tăng trong khi tăng trưởng không chăc chắn trong bối cảnh giảm dần hỗ trợ tài khóa liên bang.
"Mọi thứ có thể diễn ra theo cách mà họ không ngờ tới", English nói.