Fed giữ nguyên lãi suất gần bằng 0, khẳng định nền kinh tế đã tốt hơn
Chủ tịch Fed Jerome Powell |
Đúng như dự đoán, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày của mình với việc giữ lãi suất trong phạm vi mục tiêu từ 0 đến 0,25%.
Cùng với đó, Ủy ban cho biết trong một tuyên bố được nhất trí thông qua rằng nền kinh tế tiếp tục mạnh lên. Nhưng dù lạc quan về triển vọng kinh tế, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed không có dự định xem xét việc tăng lãi suất.
“Cách tiếp cận của chúng tôi ở đây là phải minh bạch hết mức có thể. Chúng ta vẫn chưa đạt được các tiến bộ lớn hơn một cách bền vững", ông nói. "Chúng tôi tự nhận thấy mình vẫn còn một số yếu tố nền tảng phải đạt được để tiến tới mục tiêu đó".
“Tiến bộ đáng kể hơn nữa” về lạm phát và việc làm là các yếu tố nền tảng mà Fed đã đặt ra và đặt trọng tâm phải đạt được trước khi ngân hàng trung ương tính chuyện thắt chặt chính sách, theo cách thức giảm rồi ngừng chương trình mua trái phiếu hàng tháng và cuối cùng là tăng lãi suất.
Tuyên bố sau cuộc họp chính sách vừa kết thúc chỉ lưu ý rằng các “tiến bộ” đã có được những bước tiến mới và FOMC sẽ tiếp tục theo dõi để xem họ sẽ tiến gần đến đâu so với mục tiêu của Fed.
Tuy nhiên, lưu ý về "tiến bộ" đã đạt được đối với các mục tiêu của Fed về việc làm và lạm phát như trên được coi là một dấu hiệu cho thấy những thay đổi có thể đã xảy ra trong tầm nhìn chính sách của ngân hàng trung ương, đặc biệt liên quan đến chương trình mua trái phiếu hàng tháng.
“Fed đã bắt đầu đếm giờ cho thời điểm thu hẹp chính sách", chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC nhận định.
Các thị trường đã dõi theo các manh mối chỉ ra mức độ quan tâm của Fed trước sự lây lan dịch Covid-19 do biến thể Delta, nhưng Powell và các quan chức của ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra tương đối lạc quan bất chấp mối đe dọa mà vi-rút gây ra cho nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã xáo trộn tại thời điểm Powell đưa ra các nhận xét về nền kinh tế, với chỉ số Dow John giảm nhưng chỉ số S&P 500 và Nasdaq lại tăng.
Powell cũng lưu ý tới mối đe dọa gia tăng mà đại dịch đang đặt ra, nhưng cho biết ông không thấy nó có tác động lớn về kinh tế.
“Những gì chúng tôi đã chứng kiến là với các làn sóng liên tiếp của Covid-19 trong năm qua và một số tháng trước đây, nó có xu hướng ít tác động hơn đối với hoạt động kinh tế”, Powell nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách của FOMC. "Chúng tôi sẽ xem xét liệu trong trường hợp với biến chủng delta có tiếp tục như vậy hay không".
“Chúng tôi đã học được cách sống chung với nó”, ông nói thêm.
Trong một động thái khác, Fed cho biết họ sẽ đưa ra hai chương trình repo thường xuyên, một cho thị trường trong nước và một cho các cơ quan nước ngoài và quốc tế. Các chương trình này cho phép các tổ chức trao đổi tài sản thế chấp chất lượng cao, chủ yếu là trái phiếu kho bạc với trường hợp chào bán trong nước, để lấy tiền dự trữ.
Với việc Fed có thể giữ nguyên lãi suất ít nhất cho đến cuối năm 2022, các nhà đầu tư đang tìm kiếm manh mối về thời điểm các khoản mua trái phiếu hàng tháng sẽ bắt đầu bị thu hẹp lại.
Fed hiện đang mua ít nhất 120 tỷ đô la trái phiếu mỗi tháng, với 80 tỷ đô la trái phiếu kho bạc và 40 tỷ đô la chứng khoán có thế chấp. Một số người vẫn đang chỉ trích Fed rằng việc mua chứng khoán có thế chấp đang thúc đẩy một bong bóng nhà đất mới, với giá nhà đang được đẩy lên mức cao kỷ lục mặc dù doanh số bán giảm trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Một số quan chức Fed cho biết họ sẵn sàng cắt giảm chương trình mua chứng khoán thế chấp trước. Tuy nhiên, Powell đã nói nhiều lần rằng việc mua chứng khoán thế chấp chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến thị trường nhà ở. Ông cho biết hôm thứ Tư rằng ông không hy vọng Fed sẽ bắt đầu giảm hạn mức mua chứng khoán thế chấp trước khi chính sách tài khóa thu hẹp dần.
Với toàn bộ nền kinh tế, Fed vẫn giữ quan điểm của mình bất chấp những con số tăng trưởng hiện đã đạt mức nhanh nhất kể từ sau Thế chiến II. Số liệu GDP quý II sẽ được công bố vào thứ Năm, với dự đoán của Dow Jones sẽ đạt mức tăng trưởng 8,4% - cao nhất kể từ đầu năm 1983 nếu không tính mức tăng trưởng vượt bậc của quý III năm ngoái khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Fed đã phải đối mặt với nỗi lo lạm phát ngày càng tăng, với giá tiêu dùng đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định mức tăng giá hiện tại chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được gỡ bỏ, nhu cầu trở lại mức bình thường và một số các mặt hàng, đặc biệt là giá ô tô đã qua sử dụng, cũng quay trở lại mức bình thường.
Trước cuộc họp tuần này của Fed, các thị trường dự đoán sẽ không có cơ hội tăng lãi suất nào trong năm nay. Tuy nhiên, khả năng tăng lãi suất trong năm 2022 đã tăng từ 54,4% trước cuộc họp lên 62% sau đó, với khả năng chắc chắn 100% sẽ có lần tăng đầu tiên vào tháng 3/2023, theo công cụ FedWatch của CME và Reuters.