Gặp khó vì giấy phép phòng cháy, chữa cháy
Quy chuẩn liên tục thay đổi
Sau nhiều vụ cháy lớn gây thiệt về tài sản và con người, các quy định của pháp luật liên quan đến công tác (PCCC) đã trở nên chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các quy định liên tục thay đổi lại khiến không ít doanh nghiệp gặp ách tắc trong quá trình thẩm định PCCC.
Chỉ trong vòng 18 tháng, đã có 3 Quy chuẩn về PCCC áp dụng cho nhà ở và công trình được ban hành.Tháng 4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 06:2020/BXD) về An toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành; tháng 5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD, thay thế QCVN 06:2020/BXD. Tiếp đó, tháng 11/2022, Bộ Xây dựng lại ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP); Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 83/2017/NĐ-CP) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quy chuẩn về PCCC liên tục thay đổi khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông Lê Đăng Thuyết, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tiên Sơn - Thanh Hóa cho biết, đơn vị có hệ thống nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8.000m2 phải để trống suốt 2 năm qua vì cấu kiện sắt thép chưa được sơn chống cháy nên chưa được nghiệm thu, dù các yêu cầu khác về PCCC đều đã đáp ứng đủ. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn mới, toàn bộ hệ thống PCCC trị giá 350 triệu đồng đã đầu tư và nghiệm thu trước đó phải tháo bỏ đi hết. Không chỉ riêng doanh nghiệp này, theo công an PCCC tỉnh Thanh Hóa, Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga có 193 cơ sở, thì 107 cơ sở bị đình chỉ và tạm đình chỉ vì không đạt các tiêu chuẩn PCCC!
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, việc thay đổi quy định về PCCC khiến giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành. Thời gian và quy trình xin cấp phép về PCCC mỗi nơi một khác, có địa phương mất hơn 50 ngày mới được cấp phép PCCC khiến doanh nghiệp tiêu tốn thêm rất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, các quy chuẩn về PCCC tại Việt Nam tương đối cao, doanh nghiệp cung ứng thiết bị phải nhập khẩu một số vật liệu độc quyền nên giá thành cao, các doanh nghiệp có nhu cầu cũng phải trả một chi phí không hề nhỏ nếu muốn đạt chuẩn PCCC.
Cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc
Trước ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ với báo chí, ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, mục đích ra đời của phiên bản QCVN 06:2022/BXD là nhằm tháo gỡ một số vướng mắc và khi QCVN 06:2022/BXD được áp dụng sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo an toàn về PCCC. Quy chuẩn đã được nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Singapore… và dựa trên thực tế phù hợp với Việt Nam. Quá trình đưa ra quy chuẩn cũng được thực hiện qua nhiều bước và theo đúng quy trình, quy định trong đó có lấy ý kiến nhân dân, các doanh nghiệp, hiệp hội… trên toàn quốc. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng lực lượng chuyên trách của Bộ Công an thực hiện, quản lý, giám sát PCCC tổ chức hội thảo, tập huấn để các đơn vị hiểu đúng, đầy đủ về kỹ thuật của quy chuẩn.
Để chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khó khăn của doanh nghiệp là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.
Để giải quyết tình trạng này, đối với từng trường hợp cụ thể, đơn vị sẽ đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng; rà soát các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có các khó khăn, vướng mắc tương tự trên toàn quốc để lập danh sách, kế hoạch phối hợp với công an các địa phương để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới… đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thông tin.
Về phần mình, đại diện một doanh nghiệp mong muốn, cần sớm nhất quán về việc thẩm định theo một quy chuẩn thống nhất. Đơn cử, sơn chống cháy theo quy chuẩn cũ không yêu cầu thí nghiệm cấu kiện chịu lửa nhưng quy chuẩn mới có yêu cầu này; việc bọc bảo vệ kết cấu chịu lực, theo quy chuẩn cũ, việc bọc dầm, cột... có thể làm bằng cách phun vữa và bọc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định còn theo quy chuẩn mới biện pháp bọc thạch cao (cho cột), phun vữa lại không được đề cập… Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc về kỹ thuật mà còn làm tăng chi phí.
Do đó, trước khi ban hành quy chuẩn, các bộ ngành nên tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội, cùng với đó là đi khảo sát thực tế để quy định, quy chuẩn sát với đời sống, đảm bảo các quy tắc an toàn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành trước ngày 30/4/2023. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2023. |