Gấp rút mở đường cho Fintech
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech | |
Sandbox cho Fintech: Cân bằng mục tiêu ổn định hệ thống tài chính và khuyến khích sáng tạo | |
Cần hành lang pháp lý cho Sandbox phát triển |
Tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV/2021.
Trên thực tế, sớm nhìn nhận được tầm quan trọng và sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của Fintech, NHNN với vai trò cơ quan quản lý trong những năm qua đã liên tiếp có những động thái nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng sâu sắc về lĩnh vực mới mẻ này để có thể đề xuất ban hành những chính sách và cơ chế phù hợp. Ngay từ tháng 3/2017, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về Fintech với nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, gồm cả khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Hiện sandbox đã được hơn 60 quốc gia trên thế giới áp dụng |
Năm 2018, NHNN phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng Fintech tại Việt Nam, đồng thời tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về 5 vấn đề cốt lõi của Fintech: e-payment, blockchain, Open API, P2P Lending và eKYC. Tháng 6/2019, NHNN nghiên cứu hoàn thiện Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox) tại Việt Nam. NHNN cũng đã tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng Fintech năm 2019 và Diễn đàn Fintech Việt Nam được diễn ra. Tháng 5/2020, NHNN đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cũng khẳng định, sẽ không thể ứng dụng được nếu không có khuôn khổ pháp lý. Song nếu chúng ta đợi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì những công nghệ đó có thể đã trở nên cũ kỹ rồi. Bởi vậy phải có cơ chế để những nghiệp vụ mới, dịch vụ mới đưa ra có khuôn khổ cho ngân hàng thử nghiệm.
Mục đích của mô hình sandbox nhằm đảm bảo những công nghệ mới mang tính đột phá, có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước có thể được thử nghiệm một cách hiệu quả, nhanh chóng trong môi trường độc lập.
Quan điểm của cơ quan quản lý về sandbox không chỉ nói tới các công ty Fintech. Fintech phải được hiểu theo hai nghĩa: Fintech dưới góc độ là các tổ chức không phải ngân hàng, trong đó có các start-up sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính; và Fintech dưới góc độ là một ứng dụng, dịch vụ, hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Tiếp cận Fintech dưới hai góc độ như vậy chứ không đơn thuần tiếp cận Fintech chỉ là một chủ thể. Đây cũng là định hướng của việc xây dựng Nghị định về sandbox cho Fintech.
Đảm bảo ổn định hệ thống tài chính
Trên thế giới, trong các lựa chọn chính sách đối với quản lý Fintech, sandbox đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho rằng, sandbox được sớm thông qua là kỳ vọng của rất nhiều bên, song đây là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam, cần những cách thức quản lý mới phù hợp để cân bằng giữa mục tiêu đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và khuyến khích các sáng tạo mang tính đột phá, nên sự thận trọng từ cơ quan quản lý là cần thiết.
Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè cho rằng, cần hành lang pháp lý thử nghiệm cho Fintech nói chung, đặc biệt là trường hợp của P2P Lending nói riêng khi lĩnh vực này đang hứa hẹn có sự nở rộ thời gian tới. Theo ông Hoè, cơ chế sandbox cho Fintech cần được xây dựng dựa trên quan điểm: Khuyến khích đổi mới sáng tạo; gia tăng tiếp cận tài chính; bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư và người vay; kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận; truyền thông đầy đủ, chi tiết đi kèm với giáo dục tài chính.
Dưới góc độ ngân hàng, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, để mô hình sandbox đạt được mục tiêu này, cơ quan quản lý bên cạnh việc giới hạn phạm vi, thời gian triển khai công nghệ trong sandbox cần áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi; đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Có thể cho phép nới lỏng một số quy định pháp lý hiện hành để tiến hành thử nghiệm sau khi đánh giá sự phù hợp với ứng dụng công nghệ. Đồng thời đề ra các tiêu chí lựa chọn các TCTD, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia sandbox; đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và công bằng trong quy trình tuyển chọn.
Đồng quan điểm, CEO một NHTMCP cũng cho rằng, sau khi tiến hành thử nghiệm ở môi trường sandbox thì đơn vị thử nghiệm có thể được cho phép triển khai thí điểm với phạm vi mở rộng hơn, đi cùng với các điều kiện đảm bảo mục tiêu đề ra ban đầu, tuân thủ quy định pháp lý liên quan.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số BIDV cho hay, một trong những điều quan tâm của các ngân hàng là vấn đề an ninh bảo mật khi mở rộng hợp tác với các công ty Fintech. Khi đó, ngân hàng sẽ phải xem xét về năng lực công nghệ thông tin, việc triển khai giải pháp bảo mật an ninh trong quá trình ngân hàng thực hiện kết nối và hợp tác với các công ty Fintech là gì và như thế nào để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Những rủi ro liên quan về danh tiếng hay chia sẻ dữ liệu khi hợp tác với Fintech cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để có thể cùng hợp tác, chia sẻ với nhau theo nguyên tắc win-win.
Chính bởi vậy, theo quan điểm của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, sandbox cho Fintech phải đặc biệt quan tâm tới các quy định về cách thức hợp tác với các ngân hàng, các cơ chế thu thập, trao đổi dữ liệu thông tin.
Trong trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Việt Nam cũng từng chia sẻ, việc sandbox phải có quy định minh bạch ngay trong nội bộ, hay việc cần có trung tâm thông tin tín dụng Fintech, hoặc quy định một KYC chung để chia sẻ và phân tích từ NHNN khi kết hợp với các công ty Fintech.