Gia tăng các lớp bảo vệ an toàn tài khoản ngân hàng
Chuyển đổi số đang chuyển động cả chất và lượng Mở tài khoản ngân hàng sẽ ngày một chặt chẽ hơn Hạ tầng thanh toán số thúc đẩy phát triển thành phố thông minh |
Nam A Bank thông báo, kể từ ngày 01/01/2025, ngân hàng này sẽ tạm dừng giao dịch thẻ, giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán trong trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực.
Đồng thời, đối với giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử, ngân hàng này sẽ tạm dừng giao dịch khi chưa hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của khách hàng.
Khách hàng qua bước nhận diện khuôn mặt khi mở thẻ tại ngân hàng |
Trước đó Sacombank đã thông báo theo Luật Căn cước số 26/2023/QH15, Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 01/01/2025, Sacombank sẽ tạm ngưng giao dịch thanh toán, rút tiền tại tất cả các kênh đối với các khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực. Đối với khách hàng cá nhân và chủ thẻ doanh nghiệp chưa đăng ký sinh trắc học, Sacombank cũng sẽ tạm ngưng tất cả giao dịch trực tuyến, rút tại ATM/STM/CDM.
ACB cũng gửi thông tin rộng rãi về việc tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Ngoài ra, ngân hàng này khuyến cáo chỉ đăng ký xác thực khuôn mặt với thẻ Căn cước/căn cước công dân gắn chip trên ứng dụng ACB ONE hoặc tại chi nhánh/ phòng giao dịch ACB. Không cung cấp dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng chưa rõ nguồn gốc. Không bấm vào các liên kết gửi qua tin nhắn/mạng xã hội từ nguồn tin chưa xác thực hoặc làm theo các hướng dẫn qua cuộc gọi mạo danh. Không nhập Tên đăng nhập, mật khẩu và OTP SMS/ OTP Safekey vào các website lạ không phải https://online.acb.com.vn hoặc https://business.acb.com.vn và không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Đến thời điểm hiện tại, hàng loạt ngân hàng như VPBank, VietBank, OCB, SHB, TPBank,… phát đi thông báo khuyến nghị khách hàng cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân hợp lệ nhằm đốc thúc người mở tài khoản tại ngân hàng sớm hoàn thành các yêu cầu của NHNN liên quan đến tăng cường an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán số. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của NHNN, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hạn hiệu lực và/hoặc khách hàng chưa thực hiện thu thập sinh trắc học.
Tại Hội thảo tổ chức gần đây, liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng đề nghị các lãnh đạo ngân hàng đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu thông tin trên các tài khoản ngân hàng. “Ngành ngân hàng lấy đích ngày 1/1/2025, hoàn toàn đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống. Dữ liệu này đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân gắn chip. Điều này giúp loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo. Nếu tài khoản không xác thực sẽ bị dừng giao dịch. Những tài khoản chưa thu thập thông tin sinh trắc học chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy. Quy định mới này nhằm xóa bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ và tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo thống kê của NHNN, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo. Thống kê cho thấy có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Để có được những kết quả tích cực trên, từ cuối năm 2023, NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Theo quy định tại quyết định này, từ ngày 1/7/2024, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp. Đối với những khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất, cũng bắt buộc phải xác thực lại dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.
Mục tiêu hướng tới tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Như vậy, với những kết quả đạt được như trên, có thể thấy, Quyết định 2345/QĐ-NHNN đang đi đúng hướng trong việc bảo vệ các giao dịch trực tuyến là chính chủ, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Với việc liên tiếp ban hành 2 thông tư mới quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và hoạt động thẻ, NHNN tiếp tục gia tăng thêm các lớp bảo vệ, tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và dịch vụ thẻ ngân hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.