Giá vé máy bay tăng ảnh hưởng tới cao điểm du lịch hè
Hàng không và du lịch - Cái ‘bắt tay’ nghìn tỷ Ngành du lịch phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách dịp 30/4-1/5 Lượng khách du lịch đến Sa Pa không đạt kỳ vọng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 |
Lượng khách đi -đến các cảng hàng không đa phần trong xu thế giảm so với cùng kỳ năm ngoái |
Thiếu hụt trợ lực từ hàng không
Theo Cục Du lịch Quốc gia, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ từ 27/4-1/5, ngành Du lịch Việt Nam ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, khoảng 3,6 triệu lượt khách trong đó có lưu trú. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 60%, những ngày cao điểm đạt trên 70%. Một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số thống kê này hoàn toàn có thể cao hơn nữa để tạo đà cho ngành Du lịch phục hồi và trở lại mạnh mẽ hơn nếu như có sự hỗ trợ của hàng không như mọi năm. Thực tế, dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng khách đi, đến các cảng hàng không đa phần đều giảm. Đây là điều ít thấy trong các dịp nghỉ lễ dài ngày trong những năm qua.
Chỉ tính riêng trong ngày 2/5 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng chuyến bay và hành khách cũng giảm. Thông tin về tình hình khai thác, phục vụ bay trong 6 ngày cao điểm dịp lễ 30/4-1/5, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, tổng số chuyến bay thực hiện là 3.961, giảm 8,86% so với năm 2023, giảm 10,04% so với năm 2019 (trước dịch COVID). Tổng số hành khách đi - đến sân bay Tân Sơn Nhất là hơn 652.831 lượt, giảm 7,62% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9,67% so với năm 2019.
Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440 nghìn lượt hành khách đi, đến. Mức sản lượng hành khách đợt cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với ngày thường nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 18%.
Nguyên nhân một phần đến từ việc giá vé máy bay liên tục tăng "nóng" trong thời gian qua. Chia sẻ với phóng viên, anh Thế Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm tư, dù cách quê nhà hơn 1000km nhưng anh không chọn đi máy bay nữa vì giá vé tăng quá cao, đã từ hơn 2.000.000 đồng/người nay đã khoảng 4.500.000 triệu đồng/người. Vì vậy, gia đình tôi quyết định đi bằng xe ô tô cá nhân vì có cao tốc đi rất tiện. Gia đình vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể đến và trải nghiệm du lịch ở nhiều nơi hơn trên đường về quê.
Thực tế này cho thấy, nếu không có sự cải thiện về phương án bán vé sớm, sự “trả giá” của ngành hàng không có thể sẽ còn kéo dài đến dịp cao điểm Hè sắp tới cùng với đó là sự sụt giảm của du lịch nội địa.
Khẩn trương rà soát, minh bạch thông tin
Theo một chuyên gia nhận định, với khách hàng, địa điểm là sự lựa chọn hàng đầu khi quyết định đi du lịch nhưng tài chính mới là yếu tố quyết định điểm đến cuối cùng của họ là ở đâu và họ sẽ đi bằng cách nào. Từ đầu năm đến nay, hàng không liên tục cải tổ và thiếu hụt máy bay. Việc giá vé nội địa ở một số chặng cao không kém các chặng bay quốc tế khiến người dân phải cân nhắc. Xét về yếu tố tài chính và tính chủ động, rõ ràng, hàng không sẽ bị “đuối thế” hơn đường sắt và đường bộ trong năm nay.
Trước tình trạng này, trong văn bản vừa gửi Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, Cục cần kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân. Báo cáo kết quả triển khai về Bộ trước ngày 10/5/2024.