Giảm lãi suất quyết liệt, kịp thời, không gây áp lực đến lạm phát
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm toàn diện các loại lãi suất | |
ECB bất ngờ giữ nguyên lãi suất | |
Fed cắt giảm lãi suất về 0%, triển khai chương trình nới lỏng định lượng 700 tỷ USD |
Giới chuyên gia kinh tế và ngân hàng cho rằng, việc điều chỉnh giảm toàn diện các mức lãi suất của NHNN ngay sau quyết định giảm lãi suất khẩn cấp về mức 0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là kịp thời và quyết liệt.
Việc giảm lãi suất của NHNN được nhiều chuyên gia đồng tình và đánh giá cao |
Bình luận về động thái này, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN đã có những phân tích và phản ứng kịp thời, phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước. Theo chuyên gia, kịp thời vì được thực hiện ngay khi Fed hạ một loạt các lãi suất và có một số gói hỗ trợ kinh tế; mức độ, liều lượng giảm lãi suất của NHNN cũng phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Một mặt, giảm trần lãi suất tiền gửi không quá nhiều ở mức 0,25% vẫn đảm bảo sức hấp dẫn để người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực từ mức 0,5- 1% cũng đã đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp”, TS.Cấn Văn Lực lý giải.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, đây là lần giảm mang tính chất toàn diện các loại lãi suất điều hành. Bởi, NHNN đã đánh thẳng vào chi phí thực tế của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vay vốn, mang tính trực tiếp để tác động tức thời thay vì có độ trễ.
Ngoài ra, quyết định giảm các mức lãi suất hợp lý của NHNN không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mà còn hỗ trợ cả các tổ chức tín dụng trong bối cảnh bị tác động rất mạnh từ dịch Covid-19.
Cùng chung quan điểm này, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, lần giảm lãi suất này sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng giảm một phần chi phí vốn, lãi suất tiền gửi… Nếu như các ngân hàng thương mại cần phải vay cấp vốn từ NHNN thì chi phí cũng sẽ thấp hơn. Qua đó khiến cho các ngân hàng thương mại thực hiện việc giảm lãi hoặc hoãn nợ, cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Đồng thời, trước tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 đến “sức khoẻ” của nền kinh tế hiện nay, lần giảm các lãi suất quyết liệt này sẽ không gây áp lực lạm phát, mặc dù nhiều nhận định trước đó về áp lực lạm phát năm 2020 sẽ khó hơn năm trước rất nhiều.
Với mức giảm lãi suất như đã ban hành, theo tính toán của các chuyên gia và các dự báo kinh tế gần đây cho rằng tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ trong tầm định hướng ban đầu.
Điều này càng minh chứng rõ nét cho những chia sẻ trước đó của lãnh đạo NHNN về định hướng sẽ giảm các lãi suất điều hành ở mức “tích cực”. Theo đó, việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn..., tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm các nguồn lực, có nguồn vốn với giá rẻ hơn để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để thực hiện chính sách thành công và hiệu quả, một chuyên gia kinh tế nhận định sẽ cần thực hiện tốt hai điểm. Một là, đòi hỏi sự đồng bộ rất nhiều các chính sách kinh tế-xã hội khác. Các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, DN như miễn giảm phí/thuế, giãn, hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công… Hai là đòi hỏi NHNN theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân được hiệu quả nhất.
Cùng quan điểm, khi chia sẻ với báo chí, TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần rút kinh nghiệm bài học từ cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ và NHNN vẫn nên cân nhắc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản của toàn hệ thống.