Giảm phí hạ tầng cảng biển: Gỡ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu
Theo đó, thành phố giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay ngoài thành phố được điều chỉnh cùng một mức thu để tạo sự đồng thuận cho doanh nghiệp các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển. Đặc biệt, TP.HCM cũng miễn thu phí với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Đồng thời cũng miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Trước đó, bắt đầu từ 1/4/2022, TP.HCM đã thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container và cao nhất lên đến 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet. Cụ thể, hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng quá cảnh đối với container 20ft mức thu phí là 2.200.000 đồng/cont, loại 40ft là 4.400.000 tấn/cont, hàng lỏng, hàng rời 50.000 đồng/tấn. Hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu được đưa vào kho bãi thuộc các cảng biển thành phố loại container 20ft mức phí là 500.000 đồng/cont, loại 40ft là 1.000.000 đồng/cont, hàng lỏng, hàng rời 30.000 đồng/tấn. Và mức thu phí này cũng được áp dụng đối với mặt hàng xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thu phí, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội phản ứng, tỏ rõ sự không đồng tình vì cho rằng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM có sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng trong kinh doanh, xuất nhập khẩu. Hơn nữa còn tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, các Hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này với UBND TP.HCM để trình Chính phủ thông qua đối với việc giảm thuế, phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Bởi vậy việc được giảm 50% phí cảng biển là một tin vui đối với doanh nghiệp cho dù theo tính toán của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến thành phố giảm thu gần 900 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Phạm Hải Long, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Agrex Sài Gòn cho biết, là một doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản quy mô lớn của TP.HCM, bình quân hàng tháng, Agrex Sài Gòn xuất đi 600-800 tấn hàng hóa. Vì vậy, việc thành phố đồng hành, hỗ trợ giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã giúp DN tiết giảm chi phí rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, rất nhiều chi phí bị đội tăng cao như xăng dầu, điện nước, logictics, nhân công… khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thông qua việc điều hành ổn định tỷ giá, giảm thuế phí như thuế TNDN, tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất cho vay, và gần đây là giảm thuế xăng dầu…
“Trước mắt việc giảm phí có tác dụng động viên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố vẫn nên có kế hoạch cụ thể đối với việc thu phí để tạo nguồn thu ổn định, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông thuận tiện, cảng biển có sức vận chuyển lớn giúp hàng hóa lưu thông, tránh ùn tắc kéo dài. Điều này cũng cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp khi “sức khỏe” đã ổn định lại để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong giai đoạn mới”, ông Long chia sẻ thêm.
Đối với việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua hệ thống thanh toán điện tử. Quy trình thu phí sẽ bao gồm việc khai báo thủ tục hải quan, khai báo tờ khai nộp phí hạ tầng cảng biển và được thông báo số tiền nộp phí. Sau đó doanh nghiệp sẽ căn cứ vào số tiền phí phải nộp để thực hiện nộp phí qua hệ thống thanh toán điện tử (ứng dụng 24/7 của các ngân hàng thương mại, các ví điện tử) và xác nhận số tiền nộp phí với Cảng vụ để cho phép hàng qua cảng.