Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 3)
Kinh nghiệm một số nước về xử lý tài sản bảo đảm | |
Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 2) | |
Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 1) |
Kỳ 3: Thi hành án: Chuyện dở khóc dở cười
Xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) bằng hình thức khởi kiện bên vay, bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ là biện pháp “cực chẳng đã”. Xử lý TSBĐ theo con đường này TCTD thường rơi vào thế “được vạ thì má đã sưng”. Bởi thời gian giải quyết có thể là một vài năm, đến… vô hạn, với rất nhiều chi phí (gồm cả chi phí chính thức và không chính thức). Thậm chí ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, thì việc thi hành án (THA) cũng không dễ dàng với nhiều phen dở khóc dở cười.
“Em” trốn rồi, các bác cứ tìm!
Theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở thời điểm khởi kiện và không có căn cứ kết luận bị đơn cố tình giấu địa chỉ, nếu Toà án đã thụ lý thì phải đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện.
Do đó, để thực hiện được việc khởi kiện, TCTD phải tìm được địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lợi dụng quy định này nhiều khách hàng - đối tượng phải THA đã… trốn thật kỹ. Biết tỏng là con nợ cố tình trốn, nhưng các TCTD rất khó để chứng minh trường hợp nào là cố tình trốn tránh, trường hợp nào là không tìm được địa chỉ của bị đơn.
Đa số các trường hợp tài sản phải đưa ra bán nhiều lần mới thành công, hoặc tuy đã đưa ra bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được |
Tìm được con nợ, thu giữ được tài sản, Tòa đã phân định xong quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan… đến khâu bán TSBĐ để THA mới thực sự gian truân. Đa số các trường hợp tài sản phải đưa ra bán nhiều lần mới thành, hoặc tuy đã đưa ra bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được. Nhiều TSBĐ đã được giảm, rồi lại giảm giá tiếp nhiều lần mà vẫn không bán được.
Ví dụ, tại Lâm Đồng có trường hợp tài sản đấu giá của CTCP Hồng Dương đã giảm giá hơn 10 lần nhưng vẫn không thành công, khiến món nợ trên 2 tỷ đồng phải thanh toán cho NH N. thành phố Đà Lạt chưa thực hiện được. Hay tại Bắc Giang, CTCP Thép Hương Thịnh (Việt Yên) phải trả NH Đ. chi nhánh Bắc Giang số tiền hơn 229 tỷ đồng, đã giảm giá lần thứ 15 nhưng vẫn chưa có người mua tài sản đấu giá...
Từ khó khăn này dẫn đến chuyện cười ra nước mắt: nhiều vụ việc Chấp hành viên đã vận động, thuyết phục NH nhận tài sản (đã giảm giá nhiều lần vẫn không bán được) để trừ vào khoản vay! Song, trên 85% TSBĐ là bất động sản, dù NH muốn nhận lại để tự xử lý nhưng theo quy định của pháp luật về đất đai thì TCTD không có chức năng kinh doanh bất động sản nên không thể đứng tên chủ sở hữu tài sản là quyền sử dụng đất. Vì thế cơ quan THA dân sự không thể giao tài sản được.
Ngay cả khi đấu giá thành công thì việc giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng không hề đơn giản. Tổng hợp từ các cơ quan THA dân sự cho thấy đến ngày 16/9/2016, trên toàn quốc vẫn còn 336 trường hợp đã bán đấu giá thành công nhưng chưa giao tài sản cho người trúng đấu giá, dẫn đến việc tổ chức THA chưa xong. Giá trị tài sản đã bán đấu giá thành công mà chưa giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hiện rất cao, lên đến 824.941.816.011 đồng và 378 lượng vàng SJC.
Tại sao bán được tài sản rồi mà quyền lợi của các bên liên quan như TCTD, cơ quan THA… không được thực thi như luật định? Nguyên nhân hàng đầu là người phải THA cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc THA. Việc THA không thực hiện được còn có nguyên nhân từ chính các cơ quan thực thi pháp luật.
Theo đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nhiều nơi Ban chỉ đạo thi hành án chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo cơ quan THA thực hiện việc giao tài sản đã bán đấu giá. Thậm chí, ngay trước khi cơ quan THA thực hiện việc tổ chức giao tài sản thì có đề nghị hoãn việc giao tài sản của các cơ quan như UBND, Viện Kiểm sát Nhân dân…
Ngoài những nguyên nhân kể trên, trong nhiều trường hợp việc THA gặp khó khăn còn từ chính phía các TCTD. Trong một số vụ việc do phía TCTD xác định tài sản cầm cố, thế chấp không chính xác về ranh giới, vị trí, thẩm định giá trị cao hơn thực tế…. trong quá trình lập hồ sơ cho vay vốn dẫn đến hậu quả không xử lý được tài sản thế chấp.
Có trường hợp trên hợp đồng NH chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất. Có trường hợp NH nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới… Do đó khi cơ quan THA dân sự tiến hành xác minh đo vẽ thì có sự chồng lấn quyền sử dụng đất.
Lại có trường hợp hy hữu: Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, nhưng lại không có lối đi vào tài sản. Hay có trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp là bất động sản nhưng nằm trên một phần đất của người khác. Điển hình như vụ hai khách hàng Nguyễn Thị Hạnh và Phạm Văn Hưng trú tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (phải trả nợ NH N. chi nhánh Lục Ngạn số tiền 1.945.552.063 đồng và lãi suất chậm THA).
Trong vụ việc này, tài sản thế chấp của vợ chồng Nguyễn Thị Hạnh, Phạm Văn Hưng là quyền sử dụng đất ở có diện tích 120m2 và tài sản gắn liền với đất ở là một ngôi nhà ba tầng. Khi kê biên, xử lý tài sản cơ quan THA mới phát hiện ra thực tế ngôi nhà này lại được xây dựng trên diện tích đất lên đến 200 m2. Nhưng oái oăm thay, 2/3 ngôi nhà nằm trên diện tích đất của bố, mẹ anh Hưng! Bố mẹ anh Hưng không đồng ý cho cơ quan THA kê biên cả phần diện tích đất có nhà nên đến giờ, qua nhiều năm vụ việc vẫn chưa giải quyết được.y
Số liệu thống kê cho thấy, THA cho các TCTD 12 tháng năm 2016 (từ 01/10/2015 đến 30/9/2016): tổng số phải thi hành là 19.297 việc, với số tiền 78.652.305.814.000 đồng; tương ứng với 2,35% về việc và 58,86% về tiền so với tổng số việc và tiền phải THA của toàn quốc. So với cùng kỳ năm 2015, số thụ lý mới tăng 2.365 việc và tăng 9.687 tỷ đồng. Cơ quan THA đã thi hành xong 3.348 việc, thu được số tiền là 19.654.590. 288.000 đồng (tăng 305 việc và 3.859. 647.862.000 đồng so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỷ lệ 17,35% về việc và 24,99% về tiền. Theo số liệu năm 2016, số vụ việc và số tiền còn phải thi hành là 15.949 việc với số tiền không nhỏ. Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến TCTD còn tồn đọng khá lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hải Phòng… |
Kỳ cuối: Xử lý TSBĐ: Phải thay đổi từ tư duy đến hành động