Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 1)
Rà soát để “đòi” quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD | |
Quyền xử lý tài sản bảo đảm dưới góc nhìn kinh tế | |
Xử lý tài sản bảo đảm: Khó khăn vẫn bủa vây |
Kỳ 1: Hiểu và biết về quyền xử lý tài sản bảo đảm
Cùng với các giải pháp như bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại DN... thì xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ)để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu (XLNX). Song để xử lý hiệu quả TSBĐ đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp; tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan. Đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình trong xử lý TSBĐ… Về lý thuyết thì thế, nhưng thực tế xử lý TSBĐ của TCTD là hành trình đầy gian nan.
Quyền xử lý TSBĐ là quyền dân sự
Quyền xử lý TSBĐ của bên nhận bảo đảm là quyền được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó bên có nghĩa vụ khi không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ thì bên có quyền (bên nhận bảo đảm) có toàn quyền xử lý TSBĐ thông qua các hình thức như phát mại, nhận TSBĐ để cấn trừ nợ, tự mình xử lý TSBĐ... Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD hiện nay được cụ thể hoá bằng các điều khoản quy định trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm ký kết giữa khách hàng và TCTD.
Dù pháp luật hiện hành đã có những quy định khá rõ ràng về quyền xử lý TSBĐ, song trên thực tế còn không ít những vụ việc phức tạp, khó lường, dẫn tới thời gian thu hồi nợ kéo dài |
Về bản chất pháp lý, “Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD” là một loại quyền dân sự của TCTD được xác lập dựa trên căn cứ: thoả thuận trong hợp đồng và các quy định của Bộ luật Dân sự về biện pháp bảo đảm. Luật sư Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH cho rằng: “Vì là một loại quyền dân sự nên các TCTD được thực hiện quyền xử lý TSBĐ theo ý chí của mình với điều kiện tiên quyết là không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được lạm dụng quyền gây thiệt hại cho người khác; không vượt quá giới hạn việc thực hiện quyền đó”.
Việc xử lý TSBĐ có tính quyết định trong việc thu hồi để giảm tỷ lệ nợ xấu cho mỗi TCTD nói riêng, nền kinh tế nói chung. Song thực tế hiện nay, để thực hiện quyền xử lý TSBĐ là công việc không hề đơn giản. Vấn đề XLNX những năm gần đây của các TCTD xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.
Đặc biệt là NHNN đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp xử lý và giải quyết vấn đề nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ nói riêng như: thành lập Công ty VAMC, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức hội thảo, hội nghị... từ đó xây dựng và điều chỉnh những chính sách về XLNX, xử lý TSBĐ phù hợp...
Hiện tỷ lệ nợ xấu có đảm bảo bằng tài sản chiếm tỷ lệ trên 90% tổng nợ xấu. Nên nếu quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD có vướng mắc, lẽ tất nhiên sẽ lan sang tốc độ XLNX của các TCTD. Việc xác định những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD để đưa ra những biện pháp tháo gỡ là đặc biệt quan trọng. Song trước khi bàn tới những vướng mắc, khó khăn qua các sự việc cụ thể, trước hết cần phải hiểu đúng về vai trò của pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ với nền kinh tế, TCTD và DN.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ có những vai trò quan trọng đối với đời sống của nền kinh tế. Trong đó điểm đầu tiên cần nói tới là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu sẽ cho phép giải phóng nguồn lực của xã hội ra khỏi các khu vực sử dụng yếu kém và tái phân bổ đến những khu vực sử dụng có hiệu quả hơn. |
Bảo vệ quyền chủ nợ là vì lợi ích chung
Vai trò của cơ chế pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hiệu quả thể hiện dưới hai khía cạnh. Thứ nhất, cho phép chủ nợ có quyền phong toả tài sản của con nợ, bán các tài sản này và đầu tư số tiền này vào các hoạt động khác có hiệu quả hơn khi con nợ mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi. Thứ hai, cho phép chủ nợ kiểm soát các hoạt động quản lý của con nợ trong trường hợp con nợ đang có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, không trả được nợ đúng thỏa thuận.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ có những vai trò quan trọng đối với đời sống của nền kinh tế. Trong đó điểm đầu tiên cần nói tới là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu sẽ cho phép giải phóng nguồn lực của xã hội ra khỏi các khu vực sử dụng yếu kém và tái phân bổ đến những khu vực sử dụng có hiệu quả hơn. “Thực tiễn chứng minh, các quốc gia thiết lập khung pháp lý về xử lý nợ mất khả năng thanh toán và bảo vệ quyền chủ nợ hữu hiệu, đồng thời là quốc gia có hệ thống tài chính phát triển và lành mạnh” - ông Sơn chia sẻ.
NHNN đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp xử lý và giải quyết vấn đề nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ nói riêng |
Việc bảo vệ quyền chủ nợ còn tác động lớn đến việc tạo dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính ổn định và nhịp độ phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi quyền chủ nợ được thực thi đúng pháp luật còn góp phần đấu tranh và phòng chống hiệu quả những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường.
Đồng thời bảo vệ chắc chắn lợi ích hợp pháp của chủ nợ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các con nợ. Bảo vệ quyền chủ nợ với các TCTD và các DN giúp giảm chi phí cấp tín dụng của các TCTD cho DN, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận vốn NH. Bên cạnh đó, pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ cũng góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống NH.
Thực tế thực thi quyền chủ nợ của các TCTD trong xử lý TSBĐ thời gian qua cho thấy, những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi xử lý TSBĐ có thể phát sinh ngay từ giai đoạn thẩm định TSBĐ, trong khâu ký kết hợp đồng bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm… đến thu hồi TSBĐ, bán đấu giá TSBĐ, THA, chuyển quyền sở hữu TSBĐ. Theo quy định hiện hành, có bốn phương thức xử lý TSBĐ: bán TSBĐ, bán đấu giá TSBĐ, nhận chính TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ, khởi kiện vụ án dân sự.
Dù pháp luật hiện hành đã có những quy định khá rõ ràng về quyền xử lý TSBĐ theo các phương thức trên. Tuy nhiên trên thực tế triển khai đã phát sinh không ít những trường hợp, vụ việc phức tạp, khó lường. Điều này đã dẫn tới thời gian thu hồi nợ kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của NH, bản thân con nợ cũng chịu nhiều thiệt hại. Khó khăn xử lý TSBĐ khiến nợ xấu bị ứ đọng. Như lời TS. Võ Trí Thành chia sẻ: “Nợ xấu, lớn hơn là khủng hoảng tài chính, là cuộc chơi mà tất cả đều thua...”.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Thẩm tra viên, thành viên tổ xử lý nợ xấu Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp): Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong thi hành án. Công tác phối hợp giữa các đơn vị NHNN, Bộ Tư pháp và các TCTD đã có chuyển biến tích cực trên cơ sở thực hiện Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP (Quy chế phối hợp số 01). Nhưng trong bối cảnh các vụ việc thi hành án (THA) liên quan đến TCTD tăng cả về số lượng vụ việc và số tiền đã tạo áp lực cho cơ quan THA. Tuy kết quả THA xong về án tín dụng, NH năm 2016 đã tăng 9,8% về vụ việc và tăng 25,3% về số tiền thi hành so với năm 2015, nhưng tỷ lệ THA xong còn thấp; số việc, số tiền phải THA còn lớn, tiến độ THA còn kéo dài, chậm trễ. Việc này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía Bộ Tư pháp, chúng tôi đã, đang triển khai nhiều giải pháp. Tổng cục trưởng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ngành Tư pháp kèm theo Quyết định số 256/QĐ-TCTHADS; ban hành Quyết định số 257/QĐ-TCTHADS kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, NH. Lãnh đạo Tổng cục, Tổ xử lý nợ xấu đã tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, làm việc trực tiếp tại địa phương nhằm tạo chuyển biến lớn về nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ công chức của ngành trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, NH. Đề nghị NHNN tăng cường công tác phối hợp, đa dạng hóa các hình thức phối hợp giữa các đơn vị liên quan giữa hai bộ. Phối hợp tìm giải pháp, cơ chế trong THA liên quan TCTD. TCTD khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, TCTD cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra TSBĐ, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra… Các TCTD cần phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan THA dân sự trong việc xác minh tài sản, điều kiện THA của người phải THA. Hỗ trợ cơ quan THA dân sự trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá… Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ THA theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi để có hướng giải quyết xong vụ việc… |
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện là việc “bất đắc dĩ” Trong những năm gần đây, công tác xử lý thu hồi nợ của Vietcombank đã được đẩy mạnh, từ đó việc xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, yêu cầu THA tại Vietcombank đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Vietcombank đánh giá đây chỉ là biện pháp cuối cùng, “bất đắc dĩ” để xử lý nợ khi khách hàng chống đối, bất hợp tác. Quá trình thực hiện thi hành bản án còn nhiều bất cập, thời gian THA lâu không chỉ gây tốn kém chi phí, mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Vietcombank. Vietcombank và Tổng cục THA dân sự đã có nhiều buổi làm việc về công tác THA dân sự tại các địa phương như: Hải Phòng, Hà Nội, TP. HCM, An Giang... và thu được những kết quả khả quan. Tiến độ xử lý nợ xấu qua THA của Vietcombank trên một số địa bàn cũng đã được đẩy mạnh. Từ đó, Vietcombank đề nghị Tổng cục THA dân sự tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa NHNN, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp về cơ chế để xử lý tài sản. Ngoài ra, Vietcombank đề nghị Tổng cục THA dân sự tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc để áp dụng thống nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức THA cho các TCTD. Vietcombank đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHNN tại các địa phương phối hợp với cơ quan THA dân sự địa phương tích cực triển khai Quy chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp trong công tác THA dân sự nhằm đẩy nhanh các vụ án còn tồn đọng, góp phần thu hồi nợ cho các TCTD, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. |
Bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc VietinBank: Chưa có hướng dẫn, TCTD lúng túng Pháp luật hiện hành cho phép việc thế chấp TSBĐ là dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc nếu đã nhận thế chấp đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khi chủ đầu tư hoàn thành xây dựng xong móng và thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, các bên có bắt buộc phải thực hiện thay đổi hình thái tài sản thế chấp từ dự án đầu tư xây dựng nhà ở sang nhà ở hình thành trong tương lai hay không. Nếu không thực hiện thay đổi tài sản thế chấp, và vẫn đang thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thì các bên có được phép giải chấp một phần TSBĐ là các căn hộ hình thành trong tương lai trước khi thực hiện ký hợp đồng mua bán với khách hàng hay không? Do hiện nay chưa có hướng dẫn của pháp luật về nội dung này, dẫn đến khó khăn lúng túng cho các TCTD trong quá trình triển khai, cũng như việc thực hiện phụ thuộc vào hướng dẫn của từng văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương. Chẳng hạn như, các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở: Về mục đích thế chấp, Khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong dự án tại TCTD đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-NHNN quy định “Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại TCTD để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư có nhu cầu thế chấp QSDĐ trong dự án đầu tư nhà ở để vay vốn phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng dự án khác. Nhu cầu này là hợp lý. Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên sửa đổi các quy định liên quan để cho phép thực hiện. |
Ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank: Thực thi tốt pháp luật sẽ thay đổi nhận thức của bên vay nợ Với góc độ là TCTD thực thi các quyền phát sinh theo các quy định pháp luật, chúng tôi cũng có quy định rất cụ thể, chi tiết trong các hợp đồng với khách hàng về quyền chủ nợ, quyền trong quá trình xử lý TSBĐ. Hợp đồng đó đã được ký kết một cách hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi khách hàng gặp vấn đề khó khăn và chúng tôi phải đi đến biện pháp cuối cùng là thu hồi nợ và xử lý TSBĐ thì luôn gặp khó do sự không tự nguyện của khách hàng, mặc dù trước đó họ đã cam kết TCTD được quyền thực hiện tất cả các biện pháp (được tiếp cận tài sản, được thu hồi tài sản, được xử lý tài sản...) mà không cần thêm sự chấp thuận nào khác. Chẳng hạn với trường hợp CTCP Đầu tư ATS - một khách hàng của VPBank từ năm 2011. Chúng tôi mất rất nhiều năm không thu được đồng nợ lãi và gốc nào, ngay cả khi phải đưa ra tòa, có bản án của tòa, có biên bản bàn giao thì công ty ATS vẫn vi phạm thỏa thuận, đi ngược phán quyết của tòa. Thậm chí sau đó còn có công văn của Tòa cấp cao khẳng định không đủ cơ sở để xem xét lại vụ việc. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã được UBND TP. Hà Nội sang tên tài sản thì công ty vẫn tiếp tục kiện cáo và xuyên tạc sự việc. Qua câu chuyện trên, chúng tôi cho rằng, cần phải có cơ chế thực thi pháp luật để quyền xử lý TSBĐ của các TCTD thực thi hiệu quả, đảm bảo cơ chế về trình tự tố tụng, hành chính làm sao được nhanh nhất. Trên cơ sở thực thi có hiệu quả và hiệu lực đó, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi nhận thức về bên có tài sản, bên vay nợ, tránh việc chây ì, kéo dài thời gian trả nợ, để nhanh chóng đàm phán tìm giải pháp hiệu quả hơn. |
Kỳ 2: Pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ, nhưng chỉ trên… lý thuyết